Sinh viên rủ nhau làm... “chuột bạch” thử thuốc

Nhiều bạn trẻ cho rằng, nhận công việc thử thuooxc cho các trung tâm, viện nghiên cứu này là một cách đóng góp cho xã hội.

>Sinh viên chế tạo thiết bị bay không người lái

>Mỏi mòn tìm việc, sinh viên ra trường làm công nhân

>Nhọc nhằn sinh viên mưu sinh đêm

Sự thật bất ngờ

Phải hẹn nhiều lần, tôi mới gặp được Nguyễn Minh Hân, sinh viên năm thứ 4 trường đại học Dược Hà Nội. Hân cho biết, đã gần 2 năm nay, cậu đi làm tình nguyện viên thử thuốc của một trung tâm nghiên cứu y học. Đây là một việc làm thêm rất "đặc thù" nên cậu khá e dè khi gặp mặt. Theo Hân thì ngoài một nhóm bạn học cùng lớp trong trường không ai biết cậu đang làm tình nguyện viên thử thuốc, kể cả bố mẹ.

Bởi, theo suy nghĩ của những người ngoài cuộc, việc thử thuốc này dễ gây những phản ứng ngược, biến chứng, hay mắc những bệnh tật nguy hiểm nào đó. Tóm lại, nó là nghề khá nguy hiểm đối với sức khoẻ và tính mạng con người. Chính vì vậy, dù biết việc thử thuốc chẳng những không gây hại gì cho mình mà còn có ý nghĩa to lớn cho cộng đồng nhưng những người tham gia thử thuốc vẫn ngại công khai công việc mình đang làm.

Nhiều sinh viên trường y và dược tham gia thử thuốc.

Lần đầu tiên, Hùng đi làm "chuột bạch" là vào học kỳ 2 của năm thứ hai. Khi tờ rơi tuyển tình nguyện viên thử thuốc của trung tâm y học vào tận lớp học, phần lớn các sinh viên trong lớp không quan tâm nhiều, vì họ cho rằng... vô bổ và sợ gặp những rủi ro khi thử thuốc. Tuy nhiên, Hân và ba bạn trong nhóm lại nghĩ khác: “Thử sức mình trong công việc độc đáo này cũng hay đấy chứ!”.

Sau khi lên mạng tìm những thông tin về các tình nguyện viên thử thuốc trên thế giới và quốc tế, Hân được biết rằng, nghề này không phải mới và ở Việt Nam chưa thấy trường hợp nào được ghi nhận có phản ứng xấu trong việc thử thuốc. Do đó, với vốn kiến thức và kinh nghiệm đã học được, Hân chủ động rủ các bạn trong nhóm đi làm tình nguyện viên... thử thuốc.

Hân tâm sự, nguyên tắc đầu tiên khi tham gia làm công việc này là phải làm đơn tự nguyện. Mục đích thử thuốc là để nhận biết sự biến đổi của thuốc trong máu qua từng thời điểm, thường là thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, cũng có khi là thuốc tiêu hóa, tim mạch, viêm xoang... Mỗi lần thử thuốc, nhóm tình nguyện phải chia làm hai, một nhóm thử thuốc đã lưu hành và một nhóm thử thuốc sắp được đưa vào sản xuất.

Mỗi lần thử thuốc phải tuân theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Trước khi thuốc được tiêm vào người, các tình nguyện viên phải kiểm tra sức khỏe tổng thể như đo huyết áp, nhịp tim, xét nghiệm viêm gan B, HIV... và trước mỗi lần thử thuốc, các tình nguyện viên không được sử dụng rượu, bia, các chất kích thích. Sau khi làm xét nghiệm máu, nếu ai không đủ tiêu chuẩn sẽ không được chọn tham gia. Hân chia sẻ, dù biết mình có lối sống lành mạnh, không vướng vào các tệ nạn xã hội nhưng khi kiểm tra tổng thể, cậu và nhóm bạn vẫn rất hồi hộp. Và khi được chọn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua kỳ kiểm tra gắt gao ấy.

Các sinh viên được chọn làm tình nguyện viên thử thuốc sẽ nhận được thông báo của trung tâm trước đó 2 - 3 ngày để chủ động sắp xếp công việc của mình. Thường thì những đợt thử thuốc này được diễn ra vào những ngày cuối tuần vì đây là ngày sinh viên được nghỉ học. Các tình nguyện viên được tập trung tại một phòng đặc biệt ở trung tâm để tiện cho việc theo dõi phản ứng thuốc.

Trong khoảng 6 tiếng đầu tiên sau khi uống thuốc, cứ cách 30 phút, tình nguyện viên lại được lấy máu một lần để đem đi thử nghiệm xác định nồng độ thuốc được hấp thụ vào máu. Trong 6 tiếng tiếp theo, cứ vài tiếng đồng hồ, họ lại được lấy máu một lần. Đội ngũ y, bác sĩ cũng luôn sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp bất trắc xảy ra. Hân cho biết, những lần cậu tham gia thử thuốc, chưa có lần nào xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Sau hai ngày thử thuốc, có khoảng 120ml máu được lấy ra để xét nghiệm.

Nếu ai chưa hiểu rõ về tình nguyện viên thử thuốc này thì có thể nghi ngại nhưng đã biết rồi thì sẽ thấy đây là một công việc thú vị, nhiều ý nghĩa và cần mạo hiểm đôi chút. Thông thường, công việc này có sự tham gia của các sinh viên chuyên ngành y và dược. Mỗi lần thử thuốc, tình nguyện viên sẽ phải lấy máu khoảng 24 lần, nhưng chỉ với một lượng nhỏ để thống kê xem mức độ hấp thu thuốc trong máu là bao nhiêu.

“Em thấy khi thử thuốc chỉ có cảm giác buồn ngủ, có khi buồn ngủ cả ngày, sau đó hơi mệt một chút, chứ không có ảnh hưởng gì đặc biệt cho cơ thể...”, Hân cho biết.

Sinh viên phải có đơn tự nguyện trước khi được nhận làm người thử thuốc.

Đóng góp thầm lặng

Không chỉ những sinh viên chuyên ngành y, dược mới tham gia mà gần đây còn có rất nhiều bạn trẻ thuộc các trường đại học như Kiến trúc, Kinh tế Quốc dân, Thương mại... cũng tham gia làm tình nguyên viên thử thuốc. Đa phần những người trẻ này đều có bạn đã từng tham gia làm công việc này nên họ mới yên tâm với sự giới thiệu của bạn bè.

Khúc Quang Trường (sinh viên năm thứ 3, trường đại học Thương mại Hà Nội) chia sẻ: "Xóm trọ của em có hai chị học đại học Y Hà Nội. Một lần, các chị ấy mang về một bản thông báo tìm tình nguyện viên thử thuốc kháng sinh và bảo em thử tham gia xem sao, vì trong lớp các chị ấy có nhiều người đã đăng ký. Sau một hồi phân vân, em được các chị giải thích về việc làm tình nguyện viên như thế nào và em đã đăng ký tham gia.

Sau 4 ngày làm tình nguyện viên thử thuốc, em được nhận 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng, sức khoẻ của em vẫn tốt. Em còn để điện thoại lại trung tâm thử thuốc để nếu có đợt mới, em lại tham gia làm tình nguyện viên tiếp".

Nhiều bạn trẻ khác chia sẻ, đây là một việc làm thầm lặng, nhưng có ích cho cộng đồng, bởi nếu không có sự dũng cảm của những tình nguyện viên ấy, thì các loại thuốc chưa thể đưa ra ngoài thị trường do chưa có sự kiểm định về chất lượng, công dụng của sản phẩm. Ngoài việc được trải nghiệm thêm một nghề "dị " và "độc", số tiền kiếm thêm của nghề này cũng làm nhiều bạn trẻ "mát lòng". Thu An, sinh viên năm thứ 4 (trường đại học Y Hà Nội) quê ở Nghệ An, mỗi tháng bố mẹ gửi cho 1,7 triệu đồng, gia đình rất khó khăn vì còn phải nuôi hai em đang học phổ thông. Vì thế, số tiền bồi dưỡng 2-3 triệu đồng cho mỗi đợt làm tình nguyện viên thử thuốc sẽ giúp An có thêm kinh phí để trang trải cho việc học tập.

Với những bạn sinh viên năng động, việc kiếm thêm được một nghề mới là sự "cọ xát" cho bước đường lập nghiệp sau này. Họ cũng mong mỏi rằng, sau những cuộc thử nghiệm "âm thầm" ấy, nền y dược nước nhà sẽ càng phát triển để những chú "chuột bạch" trẻ tuổi có thêm động lực cho công việc làm thêm độc đáo nhưng thú vị này.

Bác sĩ Trần Ngọc Hà (bệnh viện Việt - Đức) chia sẻ: "Thử thuốc là một công việc rất mới ở Việt Nam. Để có những tình nguyện viên, nhiều trung tâm, bệnh viện đã phải huy động từ nhiều nguồn, trên nhiều người để có kết quả chính xác nhất, nhằm đánh giá chất lượng các chế phẩm thuốc cùng loại của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Qua đó, các nhà khoa học có thể đánh giá chất lượng thuốc tốt hơn. Những người trẻ tình nguyện thử thuốc đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của nền y học nước nhà. Chúng tôi luôn đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của những sinh viên làm tình nguyện viên thử thuốc ấy".

Theo Lạc Thành
(Người đưa tin)

Theo Đăng lại