Hàng ngàn sinh viên đã ký tên kêu gọi “Hãy bảo vệ hòa bình biển Đông” và đồng ca những bài hát thể hiện lòng yêu nước như “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Nơi đảo xa”, “Khát vọng tuổi trẻ”…
Mỗi cán bộ giảng viên nhà trường trích ủng hộ 2 ngày lương, sinh viên bớt những ly cà phê sáng…, toàn bộ số tiền quyên góp được 100 triệu đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm kiên trì bám biển giữ vững chủ quyền.
Hơn 200 lá cờ cũng được các sinh viên gửi tặng cho các ngư dân. Trước đó một nhóm sinh viên tự viết lời và thực hiện video clip âm nhạc cover trên nền nhạc bài hát “Nối vòng tay lớn”, đồng diễn xếp hình ngôi sao trên lá cờ Việt Nam dòng chữ VÌ HÒA BÌNH BIỂN ĐÔNG.
Tại buổi kỷ niệm, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đối thoại trực tiếp với sinh viên về tình hình biển Đông, Công ước Quốc tế và Luật biển của Liên Hiệp quốc năm 1982; Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông, cung cấp thông tin tài liệu chính xác về chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đang bị Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và định hướng sinh viên biểu thị lòng yêu nước qua những hành động tích cực.
Tự hào Việt Nam
Ký tên kêu gọi ủng hộ Hoàng Sa.
Quyên góp ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân Hoàng Sa.
Sinh viên tặng cờ cho chủ tịch hội nghề cá Đà Nẵng.
Cũng trong sáng 19/5, tại trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) diễn ra mít tinh phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam. Hơn 500 cán bộ giáo viên, sinh viên trong trường cùng nhau hát vang những ca khúc về biển đảo quê hương, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu khẳng định chủ quyền quê hương, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước.
Dịp này, cán bộ giáo viên trường đã trích tiền lương, cùng sinh viên quyên góp được 70 triệu đồng ủng hộ các lực lượng đang sát cánh cùng ngư dân đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sinh viên ĐHSP Đà Nẵng hướng về Hoàng Sa.
Sinh viên và cán bộ giảng viên trường ĐHSP Đà Nẵng thể hiện quyết tâm hương về Hoàng Sa.