Sinh mệnh!

TP - Trần Thị Triều Tiên, cô gái bị bạn trai chém, tưới xăng đốt đã trút hơi thở cuối cùng. Nhìn di ảnh Tiên cười hiền, trong veo, đầy nhựa sống, mới thấy kẻ sát hại cô hèn hạ, bất lực mức nào. Bị từ chối tình yêu, Trần Trọng Phú chọn cách không thể tồi tệ hơn…

> Nỗi đau trong đám tang cô gái bị người yêu thiêu sống
> Nỗi lòng của người cha có con tẩm xăng đốt bạn gái

Nếu Phú ác sẵn trong máu thì coi như Tiên không may. Nhưng nếu bi kịch này là hệ quả mâu thuẫn tích tụ rồi bộc phát thì có thể “có lỗi của chúng ta” - người lớn, người có trách nhiệm. Thử nhận lỗi về mình để cùng nhìn nhận, cùng ngăn chặn điều tương tự xảy ra, kể cả khi đó là cơ hội nhỏ nhất.

Rất buồn, thời gian gần đây án mạng từ “yêu đương” xảy ra không ít. Và dĩ nhiên nó không ngẫu nhiên “từ trên trời rơi xuống”. Nguyên nhân có thể là các đôi trẻ thiếu kỹ năng xử lý sự cố tình yêu.

Bỗng nhớ cuốn “Hoa hồng giấu trong cặp sách” - hiện tượng chấn động dư luận Trung Quốc. 13 học sinh trung học từng nếm “trái cấm”, được cam kết giữ bí mật khi tâm sự đã “chia sẻ tất cả” chuyện yêu. Một điều khiến người đọc bất ngờ là phân nửa số “đã quan hệ tình dục” là học sinh ưu tú trường điểm.

Cuốn sách lần đầu được dịch sang tiếng Việt, đăng dài kỳ trên Tiền Phong (năm 2006). Khi được hỏi, nhiều em thú nhận, tình yêu đầu đời thường để lại cú sốc lớn. Gần như tất các em đều thấy bối rối trong “lần đầu tiên”.

Các em gái có cảm giác mình giống vật tế đặt lên bàn tế tình yêu. Không ai trong số các em giữ quan hệ tình yêu với “người đầu đời”... Tác giả cuộc điều tra về tình dục trong thanh thiếu niên, sau đó “biến” tài liệu này thành cuốn sách là Phó chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc Tôn Vân Hiểu và Biên tập viên Nhà xuất bản Bắc Kinh Trương Dẫn Mặc.

Sau khi nghe hết chuyện của các em, hai tác giả cuốn sách chung cảm nhận như đang “tâm sự với từng sinh mệnh”. Trong đề tựa cuốn sách (bản dịch tiếng Việt) trích ý kiến TS Y khoa Đoàn Xuân Mượu: “Trưởng thành là quá trình phức tạp, thậm chí là khốc liệt. Trưởng thành trong sai lầm là quy luật của cuộc đời mỗi con người…”.

Những người liên quan cuốn sách đều khẳng định, chuyện của các em là vấn đề của “sinh mệnh con người”, là “khốc liệt”,
“phức tạp”…

Ngay cả Karl Marx cũng vậy. Bộ óc vĩ đại của nhân loại này cũng quan tâm “vấn đề lớn lao” của con gái 20 tuổi: “Ba chờ con vào trường yên ổn, sắp xếp nơi ăn chốn ở giữa khung cảnh nội trú rồi mới viết thư cho con. Sỡ dĩ như vậy vì ba muốn con đọc được khi xa nhà, ấy là khi con hướng về gia đình là nơi yên ấm nhất. Ba muốn con đọc thư của ba với một chút nhớ nhung. Ba lợi dụng sự nhớ nhung đó như một cửa sổ mở vào hồn con…”.

“…Nếu con để kẻ nào đó đặt cái hôn ranh mãnh lên môi con thì trước khi hôn họ đã khinh con, khi hôn họ cũng khinh và sau khi hôn họ càng khinh hơn. Người nào biết sống vì con, vui khi con có tin vui, buồn khi con có nỗi buồn, người đó nhất định sẽ là chồng con...” (trích thư Marx gửi con gái).

Các bậc phụ huynh tự vấn xem mình đã đặt “vấn đề của con” lên tầm quan trọng như thế chưa?

Một nữ sinh viết trên trang cá nhân rằng, muốn mở diễn đàn “Những cuộc chia tay văn minh”. Cô muốn các bạn trẻ hiểu, khi tình yêu không còn hãy nói lời tạm biệt trong hòa bình, văn minh. Cô viết: “Tôi thấy không ít người rơi vào bi kịch khi chia tay. Nhiều người coi đó là kết thúc chứ không phải mở ra một trang mới. Một số người thường muốn trả thù, vì coi chia tay là phản bội…”. Chuyện của cô cũng vậy, bạn trai “thề” sẽ trả thù sau khi chia tay.

Mong ước của nữ sinh này chính đáng và văn minh. Nhưng để có được “Những cuộc chia tay văn minh”, chúng ta còn không ít việc phải làm.

Tiễn đưa Tiên trong những ngày sắp Tết, viết những dòng này với hy vọng sẽ không có thêm cô gái nào ra đi tức tưởi thế nữa!

Theo Báo giấy