Bởi ông Dực nói ra điều này từ cuối năm 2012, sau đó các ban ngành Thủ đô thanh tra, kết luận đó chỉ là “tin đồn”! Có ai được vinh danh vì tố giác tiêu cực theo “tin đồn” chưa ?!!
Thời buổi giờ, ngoài thấy và không thấy, thì với thiển nghĩ của kẻ viết, còn thêm một khái niệm nữa, đó là “siêu thấy”. Có nghĩa, bảo không thấy gì cũng được, mà thấy quá rõ cũng chẳng sai, thế mới tài! “Không thấy”, nhưng kết quả rành rành ra đấy cả xã hội mặc nhiên thừa nhận, đó chính là siêu thấy.
Mọi cơ quan ban ngành lớn bé đều ngơ ngác “không biết, không hiểu” ai đứng sau bảo kê, chống lưng cho đám “xe vua” đang hoành hành nhiều nơi (!?). Thế thì đám lái xe bộ khùng hết hay sao, khi bỏ ra tiền triệu mua mấy miếng logo loằng ngoằng ký tự “vô nghĩa” để dán lên xe như dán bùa! Còn đám bán logo thì ung dung đút túi mỗi tháng mấy tỷ bạc…
Siêu nhỏ như hạt bụi than nhiệt điện đang thầm lặng sát nhân rải khắp các tỉnh thành. Siêu to như tòa nhà 18 tầng ngạo nghễ ở 8B Lê Trực (Hà Nội) tọa lạc ngay khu vực đặc biệt nhất cả nước. Kỳ thực, cái nào to hơn, hạt bụi than hay cao ốc?
Hỏi vậy, vì nhiều người đến giờ vẫn tỏ ra “không thấy”. Bằng chứng là suốt mấy năm qua, có tới 27 đợt kiểm tra của ngành chức năng từ thành phố, quận, phường, nhưng vẫn mọc “dư” lên trời tới 5 tầng, tương đương 16 mét cao.
Hàng năm, có tới 4.300 người chết non vì những lớp "sương than" vấn vít tỏa ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy than. Đó mới là con số từ 12 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Còn nếu hoàn tất 50 nhà máy theo quy hoạch, thì con số người chết ước tính sẽ lên tới 25.000 người/năm.
Người dân sống bên cạnh nhà máy đương nhiên không chỉ biết, mà còn quá thấm đòn. Tháng 4 vừa rồi, hàng ngàn người dân sống bên cạnh Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) đổ ra Quốc lộ 1 đấu tranh yêu cầu xử lý tình trạng nhà máy này xả khói thải ô nhiễm và bụi xỉ, khiến dân thở hết nổi. Hiện thế giới, ngay cả Trung Quốc cũng đóng cửa nhiều nhà máy loại này. Đài báo đăng rần rần, thấy điều đó không?
Các nhà khoa học thế giới vừa reo vui khi phát hiện dấu hiệu nguồn nước trên sao Hỏa. Còn ở ta, sản phụ Thủ đô nhịn đẻ cả tuần, vì bệnh viện kiệt nước. Vỡ ối không sợ bằng vỡ ống. Ca nào nặng thì tìm bệnh viện có nước mà sinh.
Còn bác sĩ thay nhau te tái đi xách nước. Thời buổi người ta lên mặt trăng đem đất đá về, lên sao Hỏa truyền ảnh về chứng tỏ có nước, còn ở ta có mỗi chuyện dẫn nước từ sông về dùng cũng không xong.
Thấy điều đó không?