Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Vũ Xuân Thành nói, năm nay chủ yếu là thanh tra đột xuất. “Chúng tôi sẽ đi từ dưới lên, quay phim chụp ảnh lấy bằng chứng rồi mới làm việc với Sở VHTT&DL, không làm từ trên xuống”.
Nhiều cuộc thanh tra không đạt kết quả vì địa phương chuẩn bị “dọn dẹp” sạch sẽ khi có đoàn thanh tra. Về tiền lẻ trong lễ hội, ông Thành cho biết Ngân hàng Nhà nước có quyết định về xử phạt, năm nay Bộ phối hợp để quản lý tốt hơn việc đổi và sử dụng tiền lẻ tại di tích.
Trong công điện của Thủ tướng ký ngày 12/2, có nêu giao cho Bộ VHTT&DL tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền phân công lãnh đạo cấp Trung ương tham dự lễ hội khi cần thiết. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói Công điện 162 của Thủ tướng từ năm 2011 đã nêu điều này, nay nhắc lại.
Bộ không tham mưu, đề xuất đồng nghĩa lãnh đạo Trung ương không được đi lễ hội? “Nếu cán bộ cấp cao dự lễ hội với tư cách cán bộ cấp cao, được địa phương giới thiệu khách mời thì phải được tham mưu, đề xuất. Cán bộ cấp cao chỉ dự lễ hội với tư cách công dân thì vẫn đi bình thường”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nói. Thực tế, Bộ không có quyền cho hay không cho, mà chỉ tiếp nhận và đề xuất.
Về yêu cầu của Thủ tướng là hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước, không truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lãnh đạo Bộ trả lời: Tùy theo phạm vi lễ hội mà xin phép. Lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh muốn truyền hình trực tiếp phải xin ý kiến Thủ tướng. Bộ VHTT&DL phối hợp Bộ Thông tin & Truyền thông giải quyết.
Điểm mới của mùa lễ hội năm nay, Bộ chính thức ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian, do các Sở VHTT&DL thực hiện, Cục Văn hóa Cơ sở chủ trì. Trong số các tiêu chí, có việc thực hiện nếp sống văn minh như đặt hòm công đức, sử dụng tiền công đức, giọt dầu công khai minh bạch, không đổi và sử dụng tiền lẻ trong lễ hội; đảm bảo môi trường lễ hội lành mạnh; có các mục quy định điểm cộng và điểm trừ. Kết quả đạt được dưới 50 điểm là chưa hoàn thành, mức 95-100 điểm là hoàn thành xuất sắc.