> Hồ Gươm có 2 cụ rùa?
> Cụ rùa lại thoi thóp nổi hàng giờ ở Hồ Gươm
> Nấm độc tấn công Cụ Rùa
> Báo động mới về sức khoẻ Cụ Rùa
Lên bờ
Hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất ý kiến cần đưa Cụ Rùa lên bờ để thăm khám, phát hiện bệnh, sau đó chữa trị. Việc này không thể chỉ cần “một buổi sáng là xong” như một số ý kiến trước đó nêu, mà phải tốn hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Do đó, cần phải chuẩn bị một nơi để cách ly và chăm sóc Cụ Rùa sau khi đã kết thúc việc chữa trị. Khi nào sức khỏe cụ ổn định mới thả trở lại môi trường Hồ Gươm.
Theo các nhà khoa học, ảnh chụp Cụ Rùa với nhiều vết thương mới trên mai, trên cổ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua không đủ để khẳng định tình trạng bệnh tật của Cụ Rùa. Nhiều khi ảnh và thực tế khác xa nhau. Kinh nghiệm của một số nhà khoa học nuôi ba ba cho thấy, bên ngoài có thể chỉ là vết thương nhỏ, nhưng khi khám mới phát hiện vết loét ăn sâu vào xương với nhiều ổ mủ.
GS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội sinh thái học, đề xuất dùng lưới vây dài, cao, mắt to để bắt rùa; sau đó vận chuyển cụ bằng cáng. Địa điểm xử lý vết thương cho cụ nên ở gần hồ. Dung dịch rửa vết thương có thể là dung dịch Iod, bột penicillin...
Cần phải mời bác sỹ thú y, bác sỹ ngoại khoa, nhà động vật học có kinh nghiệm thực hiện công việc này. Việc chữa bệnh cho Cụ Rùa cũng cần kết hợp lấy máu để xác định ADN để giải đáp băn khoăn bấy lâu nay cụ thuộc loài nào và là cụ ông hay cụ bà...
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khôi - Chủ tịch Tập đoàn Thương mại Hà Nội KAT - lại đề xuất dùng bẫy lưới để bắt rùa, sau đó khiêng cụ lên bờ bằng... trực thăng. “Một con rùa nặng vài chục cân mà công nhân của tôi bốn người mới khiêng được trong điều kiện rùa bò dưới bùn hoặc nước nông thì để khiêng được Cụ Rùa hồ Gươm lên bờ làm sao để không gây thêm các vết thương cho cụ là rất khó khăn” - Ông Khôi nói.
Theo TS Phan Thị Vân, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, giải pháp tốt nhất là đưa Cụ Rùa lên bờ, lấy mẫu vết thương chẩn đoán các tác nhân. Nhất là tác nhân vi khuẩn và nấm. Nếu là vi khuẩn cần tiến hành thêm bước thử kháng sinh; cách ly rùa vào bể lớn, đủ lượng nước sạch cho phù hợp điều kiện sống của rùa. Từ đó tìm loại thuốc cần dùng, cần thử thuốc ở loài tương đối gần với loài Rùa hồ Gươm. Theo đó, phương án bôi thuốc cho Cụ Rùa là khả thi hơn cả.
Cần thời gian chữa trị 30-60 ngày lên bờ
TS bác sỹ thú y cao cấp Nimal Fernado đến từ vườn thú Ocean Park (Hong Kong) thì cho rằng, cần có biện pháp tiếp cận hiện đại trong quá trình chữa bệnh cho Cụ Rùa. Theo đó, phải xác định được mầm bệnh, môi trường và vật chủ.
TS Fernado cung cấp bức ảnh chụp X-quang một cá thể rùa ở Trung Quốc với lưỡi câu trong bụng. Lưỡi câu này đã xuyên qua ruột và rất khó khăn để gỡ ra. TS Fernado đã có kinh nghiệm chữa vết loét trên mai cho rùa ở Trung Quốc, ông cũng được mời đi chữa bệnh cho rùa ở nhiều nơi trên thế giới.
TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản đã nghỉ hưu đề nghị áp dụng giải pháp đã được sử dụng điều trị cho cá tầm để chữa cho Cụ Rùa. Giải pháp này đã được áp dụng thành công cho các vết loét gây ra do va đập, thiếu dinh dưỡng và chất lượng nước.
Thạc sỹ Kim Văn Vạn, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội phủ nhận nguyên nhân vết xây xát trên cổ, mai Cụ Rùa là do rùa tai đỏ tấn công, vì rùa tai đỏ không hung dữ như baba, chúng có kích cỡ nhỏ. Theo ông Vạn, vết thương đó có thể là do trong quá trình vận chuyển với thân lớn, tuổi cao có thể va chạm vào các vật sắc, nhọn ở đáy, thành hồ dẫn đến cơ thể bị tổn thương; hoặc do lưỡi câu mắc vào.
Khi xây xát lại sống trong môi trường nước hồ bị ô nhiễm càng khiến vết thương nặng hơn. Khi đưa cụ lên cạn cần hạn chế các yếu tố gây stress cho cụ: giữ nhiệt độ thích hợp, giữ sạch, ẩm cho cụ, hạn chế lượng người thăm nom gây hoảng loạn, sợ sệt, thời gian để cụ Rùa trên cạn xử lý vết thương tối thiểu 5-7 ngày mới đủ liệu trình xử lý vết thương.
TS Bùi Quang Tế cho rằng, nên dùng bể nhựa HDPE thể tích 40-50m3, bể nuôi dưỡng bằng HDPE thể tích 200-400m3 để nuôi dưỡng rùa sau khi đã xử lý vết thương. Cần thời gian 30-60 ngày để rùa khỏi vết thương. Các bể này cần đặt ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, chuyển rùa vào bể chữa vết thương và chuyển sang nuôi dưỡng.
Ông Lê Xuân Rao – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định sẽ nhanh chóng xem xét các phương án được các nhà khoa học đề xuất. “Những việc làm được ngay sẽ làm ngay, chẳng hạn như tạo bãi cát cho rùa lên phơi nắng ở tháp Rùa. Đấy cũng là biện pháp chữa bệnh tự nhiên”. Bên cạnh đó, Sở sẽ cùng các nhà khoa học thẩm định các phương pháp bắt rùa tai đỏ xem cái nào khả thi nhất để tiến hành bắt tại hồ Gươm trong tháng ba tới.
Theo thống kê của nhà rùa học Hà Đình Đức, số lần rùa xuất hiện nhiều là điều không bình thường. Năm 2010 cụ Rùa nổi 134 lần. Tháng 12-2010, Cụ Rùa đã nổi đến 23 lần. Số lần nổi lên mặt nước hiện nay là quá nhiều và khác thường so với các thời điểm trước kia. Điều này cho thấy những vấn đề liên quan đến sức khỏe và các vết thương Cụ mang trên mình.