Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải:

Sau lấy phiếu, nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét

TP - Sáng thứ 7 (15/11), Quốc hội (QH) sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh do QH bầu, phê chuẩn.
Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Như Ý.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (ĐB Hòa Bình) nhấn mạnh: “Ý nghĩa của việc lấy phiếu không gì khác đều vì mục tiêu chung để đưa đất nước phát triển, để người được lấy phiếu nhìn vào đó mà tự hoàn thiện mình”.

Bà Hải cho biết: Cá nhân tôi khi đi tiếp xúc cử tri cũng nhận thấy rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn đã có tác dụng rất nhiều mặt đến đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước và đặc biệt tác động rất lớn đến tư tưởng của người dân vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, vào sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Đây là lần thứ 2 QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn nhằm thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 35 bà có đánh giá gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần trước?

Có thể nhận rõ, sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần trước, công tác chỉ đạo, điều hành của các vị lãnh đạo ngành như giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, công thương đã có chuyển biến rõ nét. Điều dễ nhận thấy, các vị được lấy phiếu đã kịp thời khắc phục nhược điểm của ngành mình, đề ra các chủ trương, chính sách, tích cực lắng nghe ý kiến của dân để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước lĩnh vực mình được phân công. Tôi thấy, các vị trưởng ngành được phiếu tín nhiệm cao hay thấp, đều lấy đó làm động lực để tiếp tục hoàn thiện, phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Những người được tín nhiệm cao lấy làm tự hào và cần phải cố gắng với những gì mà cử tri tin tưởng; còn những vị bị phiếu tín nhiệm thấp, lấy đó rút ra bài học kinh nghiệm để vươn lên.

Điều quan trọng cử tri mong đợi là sau khi lấy phiếu, QH cần có những yêu cầu cụ thể đối với người có tín nhiệm thấp. Thậm chí, phải có những động thái quyết liệt để cử tri tin rằng việc lấy phiếu không phải chỉ là hình thức, thưa bà?

Những chức danh do QH bầu, phê chuẩn thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, đều là những cán bộ, đảng viên. Mà đã là đảng viên, công chức làm việc tại cơ quan hằng năm đều đã tự đánh giá, kiểm điểm hoạt động tại cơ quan, chi bộ mình. Hằng năm, cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện phê và tự phê. Công chức, viên chức làm bản tổng kết, đánh giá công tác theo quy định chung. Cho nên, cần thấy rằng việc lấy phiếu tín nhiệm tại QH hay Hội đồng nhân dân cũng chỉ là một trong những kênh để có góc nhìn khách quan trong đánh giá kết quả công việc và tín nhiệm của cán bộ.

Cảm ơn bà!

Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương:

Báo cáo cũng chỉ là một kênh thông tin

Trong lần lấy phiếu này, báo cáo của bộ trưởng, trưởng ngành chắc chắn cũng chỉ là một kênh thông tin, bên cạnh đó còn là lĩnh vực công tác của vị đó. Mỗi đại biểu sẽ có một cách thu thập thông tin cho mình xử lý thông tin theo cách của mình.

Bởi qua lần đầu tiên thực hiện cho thấy, đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, ví dụ như ở ngành Ngân hàng, GTVT, Công thương. Tuy nhiên, cũng có những Bộ trước đây chưa được tín nhiệm tốt và thời gian qua cũng chưa thể hiện ý thức trách nhiệm để làm cho ngành tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì bởi đây cũng là một chế định, tuy không phải mới, tác dụng của nó khá tốt.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Đại biểu rất dễ cảm tính

Các vị được lấy phiếu lần này đã có những bản tự nhận xét về lĩnh vực công tác của mình, chỉ ra những mặt làm được, những việc chưa làm được, càng ngày càng thể hiện sự nhận trách nhiệm về mình rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, muốn đánh giá có trách nhiệm, không cảm tính thì đòi hỏi bản thân mỗi đại biểu Quốc hội có hiểu hết công việc, trách nhiệm của người được lấy phiếu là vấn đề không đơn giản. Tôi nghĩ rằng, đại biểu rất dễ cảm tính. Khi quyết định, tôi rất lưỡng lự chuyện ấy không biết có chính xác hay không. Bản thân tôi là đại biểu Quốc hội, được tham gia bỏ phiếu cũng rất cân nhắc, vì mình không có đủ dữ liệu, chỉ qua dư luận xã hội, qua báo chí nên không đủ thông tin để thực hiện quyền lực của mình theo đòi hỏi, mong muốn của người dân.

Tôi lấy ví dụ chuyện chống tham nhũng. Quan trọng nhất của chống tham nhũng là phải kiểm soát được tài sản, phải giám sát được phương thức thanh toán của xã hội. Đó là yếu tố tiên quyết nhưng chưa bao giờ thấy nhà nước quan tâm đến chuyện đó một cách ráo riết. Tôi cho vấn đề ở chỗ ấy. Nếu không đi theo điều đó thì quyết định của mỗi đại biểu ở lá phiếu chỉ có thể thỏa mãn phần nào ý muốn của dân chúng nhưng tính chính xác thì tôi rất e ngại.

An Nhiên (ghi)