Cơ quan báo chí Zerkalo Nedeli của Ukraine cũng đưa tin vòng đàm phán thứ hai sẽ được tổ chức ngày 2/3.
Các yêu sách tại vòng đàm phán đầu tiên
Glavkom, một hãng truyền thông Ukraine khác, dẫn các nguồn tin trong phái đoàn Ukraine tiết lộ các yêu cầu mà hai phái đoàn đưa ra trong vòng đàm phán đầu tiên (diễn ra ngày 28/2 tại thành phố Gomel ở đông nam Belarus). Các nguồn tin nói rằng, phía Nga đã yêu cầu Ukraine cam kết tuyên bố đứng ngoài liên minh ở cấp nghị viện và tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này.
Phía Nga cũng yêu cầu Ukraine công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk và từ bỏ yêu sách đòi lại bán đảo Crimea. Trong khi đó, phía Ukraine yêu cầu phía Nga ngừng bắn và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Trước cuộc đàm phán thứ nhất kéo dài năm giờ, ông Vladimir Medinsky, Trợ lý tổng thống Nga, trưởng phái đoàn Nga, tuyên bố, phái đoàn Nga sẵn sàng trao đổi với phía Ukraine miễn là có thể đạt được các thỏa thuận, TASS đưa tin. Sau cuộc đàm phán, ông Medinsky cho biết, hai bên đã đồng ý sơ bộ sớm tổ chức vòng đàm phán tiếp theo tại Belarus.
Đạt được một số điểm chung
Trưởng phái đoàn Nga ngày 28/2 nói với báo giới rằng, đàm phán Nga-Ukraine tại biên giới Belarus đã đạt được một số điểm chung, nhằm tiến tới chấm dứt giao tranh ở Ukraine, giải quyết khủng hoảng, hãng tin Nga Sputnik đưa tin.
Sau cuộc đàm phán, ông Medinsky nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về tất cả các nội dung trong chương trình nghị sự và tìm thấy một số điểm chung mà chúng tôi dự đoán từ đó có thể đạt được nhận thức chung”. Đầu tiên và quan trọng nhất, hai bên nhất trí tiếp tục đàm phán. “Cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra trong những ngày tới ở biên giới Ba Lan-Belarus”, ông Medinsky nói.
Ông Mikhaylo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói với các phóng viên hôm 28/2: “Các phái đoàn Ukraine và Nga đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên. Mục tiêu chính của họ là thảo luận về việc ngừng bắn và chấm dứt các hoạt động chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine”.
Khủng hoảng người tị nạn
Tình hình ở Ukraine có thể trở thành “cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này” với hơn 600.000 người tị nạn được cho là đã rời Ukraine sang các nước láng giềng, Cơ quan Người tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) tuyên bố ngày 1/3. “UNHCR đang huy động các nguồn lực để đáp ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể”, CNN dẫn tuyên bố của UNHCR. Cùng ngày, UNHCR đưa ra lời kêu gọi viện trợ 1,7 tỷ USD, ước tính rằng 12 triệu người ở Ukraine có thể bị bỏ lại cần được cứu trợ và bảo vệ, với 4 triệu người khác dự kiến cần hỗ trợ ở các nước láng giềng.