Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm:

Sau chị Phụng là những người lao động khốn khó

TP - Vừa trở về sau chuyến “lưu chiếu” kéo dài hơn 1 tháng ở châu Âu, Nguyễn Thị Thắm, bà đỡ của “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cho biết, cô đang lấy đà cho dự án tiếp theo và sẽ theo đuổi đề tài về những người lao động khốn khó.
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm giao lưu với khán giả trong khuôn khổ liên hoan phim Cinema Du Reel, Pháp

Để có được thành công của “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, Thắm đã mất 5 năm ròng đeo đuổi. Vậy giờ nếu được lựa chọn lại, Thắm có muốn thay đổi không?

Quả thật, tôi cũng không thể ngờ rằng mất nhiều thời gian đến vậy để hoàn thành một bộ phim tài liệu. Nhưng tôi không nuối tiếc về điều đó. Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi thể loại này. Đề tài mà tôi tiếp tục nhắm tới là thân phận của những người lao động khốn khó.

Trong quá trình làm phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, đã bao giờ Thắm nản lòng và có ý định bỏ cuộc không?

Có thể nói, lúc nản lòng nhất là lúc dài cổ chờ… tiền tài trợ. Tôi bắt đầu bấm máy vào năm 2009 và khi quay được 6 tháng thì … hết tiền. Bao nhiêu tiền dành dụm được từ trước (khoảng 100 triệu) đã hết sạch. Lúc đó, tôi buộc phải dừng quay để đi xin tài trợ. Thời gian đi tìm kiếm tài trợ là khoảng thời gian rất dài và bế tắc đối với tôi. Thời gian thực tế đi quay chỉ mất chừng một năm, bốn năm còn lại là thời gian đi tìm kiếm nguồn tài trợ. Rất may, tôi được bạn bè trong nhóm Varan ủng hộ, trích tiền quỹ hỗ trợ tôi quay tiếp. Rồi một số người bạn hỗ trợ không công dựng hậu kỳ, OIF (tổ chức Pháp ngữ quốc tế) hỗ trợ kinh phí làm phụ đề…

Là con gái mà đi biền biệt vài tháng như vậy, gia đình Thắm có lo lắng không?

Trước kia, bố mẹ tôi làm trong ngành thủy điện, hay phải đi theo công trình, nên các con cũng nay đây mai đó cùng bố mẹ. Kể từ khi tôi lên cấp 3, do điều kiện học tập không thể đi theo bố mẹ tới thủy điện Yaly, nên tôi sống xa bố mẹ từ đó. Bố mẹ chỉ biết tôi đi làm phim, nhưng cụ thể thế nào thì không rõ, nên chỉ dặn tôi nên biết tự chăm sóc bản thân mình.

Khi đi theo gánh xiếc rong, có bao giờ Thắm lo sợ mình sẽ bị lây nhiễm HIV không?

Tôi không hề biết điều này. Bản thân chị Phụng, chị Hằng cũng không hề biết mình bị nhiễm HIV. Đến khi các chị phát hiện ra thì đã ở giai đoạn cuối rồi. Tôi rất tiếc là các chị ra đi quá nhanh, không kịp chờ đến ngày bộ phim của tôi chính thức ra mắt.

Poster phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”

Trong phim có đoạn đoàn hát rong bị đập phá, lúc đó Thắm có lo sợ không?

Khi đi theo đoàn phim, tôi đã chấp nhận mọi rủi ro. Hơn nữa, tôi may mắn vì luôn được các thành viên trong đoàn bao bọc, nên cũng không quá lo sợ. Do đó, tôi chỉ lo nhất là làm sao bảo toàn được máy quay. Nếu không, bao cố gắng của tôi và mọi người sẽ xuống sông, xuống biển hết.

Được biết, Thắm vừa có chuyến đi dài ngày ở châu Âu để quảng bá bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, bạn có thể chia sẻ đôi điều về chuyến đi này?

Tôi đến liên hoan phim Berlin , Đức với tư cách khách mời do viện Goethe tài trợ. Phim tôi không chiếu ở đây nhưng việc được đến một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới, nhìn cách nó vận hành và xem những bộ phim mới nhất là một trải nghiệm rất có giá trị với một nhà làm phim mới như tôi. Chuyến đi tiếp theo là đến Paris - Pháp . Phim tôi chiếu ở một nhà hát tại Paris trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật bao gồm nhiều hoạt động khác nhau và tại Inaclo - Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông do tiến sỹ, dịch giả Đoàn Cầm Thi cùng nhà báo Trần Hải Hạc của câu lạc bộ Yda ( Yêu Điện Ảnh) phối hợp tổ chức. Tiếp tới là liên hoan phim Tampere tại Phần Lan,  “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cùng một trong số bộ phim tài liệu tiêu biểu của Đông Nam Á năm 2014 được chọn và trình chiếu trong khuôn khổ lần này. 

Trong năm qua bộ phim cũng “đi” Nam - Trung - Bắc với hàng trăm buổi chiếu dưới sự phát hành của hãng phim Xanh . Hiện bộ phim đang chiếu tại liên hoan phim tài liệu quốc tế Salaya tại Thái Lan, sắp tới là Philipines, Canada... Ở Việt Nam, phim đang được chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim Pháp ngữ vào ngày 28/3 tại Vinh, TPHCM và ngày 31/3 tại Hà Nội và Huế. Ngoài ra, hãng phim Xanh cũng đang có những dự định để tiếp tục chiếu bộ phim tại Việt Nam trong những khuôn khổ khác nhau. 

Dự định sắp tới của Thắm là gì?

Vâng, tất nhiên là tôi vẫn tiếp tục nghĩ đến bộ phim tiếp theo. Tuy nhiên, điều tôi cùng các thành viên trong nhóm các nhà làm phim tài liệu Varan Việt Nam đang cố gắng làm đó là tổ chức được một khóa học cho các bạn yêu thích phim tài liệu tại TPHCM. Tôi cũng trưởng thành từ các khóa học Varan và đã 10 năm rồi kể từ 2005, chưa có khóa học nào khác nên tôi rất muốn thực hiện điều này nhằm có thêm những đồng nghiệp mới cùng những bộ phim trong tương lai và cũng là lấy đà cho dự án cá nhân tiếp theo của mình.

Do tất cả các thành viên đều là nhà làm phim và lần đầu tự đứng ra tổ chức nên còn khá bối rối và không dễ dàng để xin kinh phí nhưng tôi vẫn có một niềm tin rất lớn, khóa học sẽ diễn ra vào mùa hè này. 

Cảm ơn và chúc Thắm tiếp tục thành công. 

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng khắc họa cuộc sống, số phận của những con người chuyển giới ở đoàn ca nhạc hội chợ vùng quê, được dàn dựng theo phong cách phim tài liệu trực tiếp. Hai nhân vật chính trong phim là  chị Phụng và chị Hằng đã qua đời vì HIV- AIDS trước khi bộ phim được hoàn thành khiến đạo diễn bị trầm cảm. Bộ phim đã đoạt giải thưởng Special Mention tại Liên hoan phim Chopshot Festival (Indonesia) cũng như tham gia tranh giải tại nhiều liên hoan phim trong nước và khu vực.