Trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu của nền kinh tế gồm: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng, dường như lĩnh vực ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm hơn cả. Còn nhớ, ở giai đoạn đầu của tái cơ cấu 2011-2015, dư luận từng xôn xao và “dỏng tai” không bỏ lọt bất cứ thông tin nào liên quan đến sáp nhập ngân hàng.
Rồi nghe xem ngân hàng nào sẽ bị xử lý, thậm chí còn“bóc tách” để xem có hay không sự “thâu tóm” ngân hàng này, thôn tính ngân hàng kia. Đến mức, e ngại phản ứng “rút dây động rừng” sợ người dân hay các tổ chức, doanh nghiệp lo lắng, rút tiền về mua vàng, đô la tích trữ. Mọi thông tin về sáp nhập hồi đó “ém” kỹ và xử lý thận trọng. Thậm chí như Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng phát biểu: “Phải làm sao để ném chuột không vỡ bình”.
Tuy nhiên, ở làn sóng sáp nhập lần này, cuộc chơi, sự chủ động và thế cờ “trên cơ” đang thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Sau 2 năm điều hành chính sách tiền tệ với lãi suất cả huy động và cho vay giảm mạnh, tỷ giá ổn định, nợ xấu tiến về ngưỡng an toàn, dự trữ ngoại hối kỷ lục, nhà điều hành đã tự tin vào “sức khỏe” của hệ thống để bắt tay vào làm nốt phần kết sáp nhập giai đoạn 1 thu gọn còn chừng hơn 30 ngân hàng thương mại trên thị trường.
Với quan điểm kiên quyết xử lý ngân hàng yếu kém kể cả cho phá sản, trong đợt sáp nhập lần này, Ngân hàng Nhà nước đã đi “nước cờ” khôn ngoan khi tuyên bố sẽ kéo các ngân hàng lớn vào cuộc bắt tham gia cùng; thậm chí trong tình thế cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp ra tay “yểm trợ”.
Ai nhập với ai, và ai biến mất đến lúc này mọi sự đang dần “sáng tỏ”. Những ngân hàng bé sẽ về với ngân hàng lớn. Những ngân hàng yếu sẽ về với ngân hàng khỏe. Đi cùng với đó, sẽ là những ca “ghép” gan, thận các bộ chỉ số của ngân hàng sau sáp nhập. Phân tích của các chuyên gia đều thừa nhận: Đây là cách xử lý lợi cả đôi - ba đường.
Ngân hàng bé thì sẽ có nơi gánh nợ xấu và xử lý giùm; ngân hàng lớn với tham vọng muốn chiếm giữ vị trí cao trong Top ngân hàng, mở rộng bán lẻ thì có thể sử dụng luôn mạng lưới phòng giao dịch, khách hàng mà ngân hàng nhỏ đã dày công xây dựng; còn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với cách “hợp nhất” này sẽ đạt được mục tiêu: đuổi chuột ra hẳn khỏi bình mà không lo đổ vỡ hay động chạm tới hệ thống và nền kinh tế. Cũng vì thế, những cuộc “kết hôn” dù không muốn, tất yếu sẽ cứ diễn ra.