Sáp nhập huyện, xã: Địa phương kêu khó sắp xếp cán bộ dư thừa

TPO - Nhiều địa phương cho rằng, quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và các chức danh theo đúng quy định gây nhiều khó khăn cho địa phương, bởi sau khi sáp nhập, số lượng công chức, lãnh đạo cấp xã dôi dư rất nhiều.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội thảo

Ngày 24/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn là chủ trương lớn của Đảng. Đây là vấn đề khó, được dư luận xã hội quan tâm, có tác động lớn đến hoạt động quản lý nhà nước, cuộc sống của nhân dân, tâm tư của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Để các dự thảo Nghị quyết đảm bảo thể chế đầy đủ, đúng tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, phù hợp với tình hình thực tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc sắp xếp; trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án; lộ trinh và kinh phí thực hiện…

Trình bày các dự thảo nghị quyết, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Văn Đức cho biết, nghị quyết áp dụng đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, xã khi có cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều chưa đạt 50% theo quy định.

Mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đến cuối năm 2021, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp.

Về số lượng lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp không vượt quá tổng số lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động hiện có của cơ quan, đơn vị tiến hành sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính.

Đặc biệt, chậm nhất sau 5 năm kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo và biên chế công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị phải đảm bảo đúng quy định…

Tại hội thảo, đại biểu các địa phương cho rằng, khó khăn lớn nhất khi sáp nhập vẫn là giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức dôi dư, đặc biệt là 5 tổ chức đoàn thể, họ đều là cán bộ chuyên trách. Các đại biểu đề nghị Trung ương có hướng dẫn chặt chẽ, cụ thể và có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức ngoài quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Ngọc Định cho biết, tỉnh hiện có 75/199 đơn vị hành chính cấp xã và 3/11 đơn vị hành chính cấp huyện huyện không đủ cả 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số, cần sắp xếp lại. Theo ông Định, quy định sau 5 năm phải sắp xếp lại biên chế và các chức danh theo đúng quy định như dự thảo sẽ gây nhiều khó khăn cho địa phương. Bởi sau khi sáp nhập, số lượng công chức, lãnh đạo cấp xã dôi dư rất nhiều.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Định tính toán, đến thời điểm này, Cao Bằng hiện có 1.540 cán bộ, công chức cấp xã. Sau khi sáp nhập sẽ giảm 41 đơn vị và dôi dư trên 800 người, trong số này dự kiến có 163 trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi. Số còn lại hầu hết đều là cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiện vụ. Ông Định đề nghị có hướng dẫn cụ thể việc này.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các cơ quan tham mưu của các tỉnh, thành cần tích cực, chủ động tham mưu trong việc thực hiện sắp xếp ngay khi Nghị quyết ban hành. Phấn đấu hoàn thành các dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ vào tháng 3/2019.