Sáng nay, thí sinh thi đại học đợt một

TP - Đợt một kỳ thi tuyển sinh ĐH khối A, V diễn ra hôm nay (4-7) có tới hơn một triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng chỉ có hơn 680 nghìn thí sinh đến dự thi.
Sĩ tử tâm trạng khi làm thủ tục thi (ảnh chụp tại điểm thi Đại học Xây dựng Hà Nội ngày 3-7) Ảnh: Hồng Vĩnh

> Hồi hộp như sĩ tử chuẩn bị thi
> Chỉ 70% thí sinh đến làm thủ tục dự thi đại học 

Sĩ tử tâm trạng khi làm thủ tục thi (ảnh chụp tại điểm thi Đại học Xây dựng Hà Nội ngày 3-7). Ảnh: Hồng Vĩnh .
 

Theo thống kê của Bộ GD& ĐT, sáng qua chỉ có 680.597 thí sinh đăng ký dự thi ĐH đợt một. Hiện tượng thí sinh ảo của các mùa thi khác tái diễn ở nhiều trường. Mặc dù mỗi thí sinh chỉ có thể dự thi 2 trường cho 2 đợt tuyển sinh, nhưng có thí sinh nộp đến 9 bộ hồ sơ vào các trường khác nhau.

Phòng thi trống hoác

Thí sinh 'ảo' chiếm gần nửa 

Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH khối A, V diễn ra hôm nay (4-7) có tới hơn một triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng chỉ có hơn 680 nghìn thí sinh đến dự thi.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong tại Hà Nội, nhiều phòng thi trống hoác. Tại Hội đồng thi ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN, phòng thi số 199 có 17/39 thí sinh đến làm thủ tục; phòng thi số 200 có 25/39 thí sinh. Tại ĐH Công Đoàn, phòng thi số 188 vắng 15 thí sinh; phòng thi số 186 vắng 40 thí sinh…

Thống kê của các trường tại TP HCM cho biết, có 246.552 thí sinh đến làm thủ tục dự thi (tỷ lệ hơn 70%). Tại nhiều điểm thi, việc làm thủ tục dự thi trong ngày hôm qua diễn ra nhanh chóng và ít có sai sót. Tại trường ĐH Sài Gòn, có hơn 100 thí sinh đến chỉnh sửa những lỗi như: mã ngành, sai tên, ngày tháng năm sinh…

Không có nhiều sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi.
 

Tại ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Kinh tế TPHCM… lượng thí sinh đến chỉnh sửa sai sót không nhiều. Th.s Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho biết: Sai sót trên giấy báo dự thi của thí sinh năm nay ít hơn nhiều so với mọi năm.

Cùng với Hà Nội, hôm qua hàng chục ngàn thí sinh đến làm thủ tục thi ĐH, CĐ ở Đà Nẵng trong thời tiết nắng nóng. Theo Ban tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, trong ngày đầu làm thủ tục, tỷ lệ thí sinh vắng mặt chiếm khá cao (gần 20% trong tổng số hơn 40.000 thí sinh dự thi đợt 1).

Tại nhiều hội đồng, như trường THCS Lê Độ có tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục khá thấp (đạt 53,2%), trường THPT Hermann Gmeiner (56%), trường CĐ Phương Đông (64,9%)…

Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN cho biết, trong quá trình lọc hồ sơ, trường này đã loại 500 hồ sơ ảo (có thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào cùng một trường). “Hiện tượng thí sinh ảo chắc chắn diễn ra ở hai khối A và B”, ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên nhận định.

Các trường tuyển khối B chắc chắn gánh nhiều thí sinh ảo vì có nhiều thí sinh thi khối A và sau đó đi thi tiếp khối này. Nhưng nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 (khối A) thí sinh sẽ chọn học khối A.

Phòng thi tại ĐH Công Đoàn trống hoác. Ảnh: Hồ Thu - Hồng Vĩnh.
 

Phải chấp nhận?

Bà Nguyễn Thi Tĩnh, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP HN cho rằng, hiện tượng thí sinh ảo gây khó khăn không nhỏ cho các trường. “Phòng thi bố trí 25 người, chỉ 17 thí sinh đến dự thi trường cũng mất 1 phòng thi, 2 giám thị với đầy đủ cơ sở vật chất. Không trường nào dám trừ phần trăm, bởi nhỡ thí sinh đến đủ thì lúc đó không thể điều phối kịp đề thi”.

Được biết, nhiều trường phải bù lỗ kinh phí tổ chức thi hàng trăm triệu đồng. “Số thí sinh ảo chiếm tới gần 50% là quá nhiều. Lệ phí thi tăng nhưng không thể bù đắp nổi chi phí”, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH kinh tế Quốc dân nói.

Theo ông Đặng Kim Vui, các trường phải chấp nhận hiện tượng ảo để tạo điều kiện và cơ hội cho thí sinh. Bà Nguyễn Thi Tĩnh cho rằng, công việc tuyển sinh rắc rối và nặng nề, Bộ GD&ĐT nên giao lại cho các trường. Những trường chưa tự tổ chức thi được có thể thi chung theo cụm do Bộ tổ chức.Nếu các trường tuyển sinh riêng, lệ phí thi thật cao thì thí sinh sẽ cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ, như hiện nay thí sinh nộp hồ sơ quá thoải mái.

“Cùng với quá trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ do Bộ GD&ĐT đang vận hành trên toàn hệ thống, nên thay đổi tuyển sinh một đợt như hiện nay. Có thể tuyển sinh 2 đợt một năm theo tín chỉ”. Đưa ra ý kiến đó, song ông Dong vẫn cho rằng, với tình hình hiện nay, thi ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả) vẫn là giải pháp tốt, tạo ra mặt bằng chung trong toàn xã hội để các trường có thể tuyển liên thông trong toàn hệ thống.

ĐH Ngoại thương HN chỉ có hơn 53% thí sinh đến làm thủ tục dự thi, ĐH Kinh tế Quốc dân xấp xỉ 52%; ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN): 57%; Học viện Tài chính: hơn 50% ; ĐH Bách khoa Hà Nội: 63%...

Tại TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM hơn 76%, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: 75,4%, Trường ĐH Luật TPHCM: hơn 78%, Trường ĐH Kinh tế TPHCM: hơn 76%, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: hơn 78%...

Ths. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng: Số thí sinh đến làm thủ tục chỉ tạm thời, nhiều thí sinh do nắm vững quy chế hoặc do không đóng lệ phí thi nên không cần đến làm thủ tục, đến ngày thi sẽ tới. Do đó, trong ngày thi chính thức, lượng thí sinh sẽ tăng từ 10 đến 15% so với ngày làm thủ tục.

Theo Báo giấy