Sa Thầy được lựa chọn tổ chức đại hội điểm cấp huyện

Với sự đồng lòng, đoàn kết của các cấp, những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024 trên địa bàn huyện Sa Thầy đã đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum cũng đã thống nhất, lựa chọn Đảng bộ huyện Sa Thầy là đơn vị tổ chức Đại hội điểm cấp huyện, nhiệm kỳ 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang (ngoài cùng từ trái qua) cùng bà con địa phương trồng sầu riêng

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trên các lĩnh vực; kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024 của huyện Sa Thầy đã đạt những kết quả quan trọng.

Theo đó, kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kinh tế đều vượt kế hoạch đề ra, dự kiến đến cuối năm 2024 đều sẽ đạt và vượt kế hoạch giao, thu ngân sách nhà nước đến thời điểm hiện nay được 116.831 triệu đồng, đạt 101,89% dự toán tỉnh giao và bằng 124,46% cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tính đến thời điểm hiện nay tiến độ giải ngân đạt 65% kế hoạch vốn, dự kiến đến cuối năm tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%. Trong năm 2024, trên địa bàn huyện không để xảy ra vụ việc vi phạm luật lâm nghiệp, đến nay, đã trồng được 714,98 ha rừng, đạt 115,32% kế hoạch, trồng mới 55.426 cây phân tán, đạt 123,16% kế hoạch. Qua đánh giá, hiện các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, theo dõi, thường xuyên chỉ đạo: thực hiện hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong dịp lễ, tết và các ngày kỷ niệm. Các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường triển khai thường xuyên góp phần quan trọng vào mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, những chính sách đối với người có công và chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời, đúng đối tượng và chế độ quy định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Không những thế, công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, các chính sách, dự án, tiểu dự án về giảm nghèo bền vững được tập trung thực hiện, góp phần đẩy nhanh việc giảm nghèo; Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm, toàn huyện hiện có 23/38 trường (36 công lập và 2 tư thục) được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.

Việc phát triển kinh tế bằng cây ăn trái được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kon Tum rất quan tâm

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững ổn định: Công tác giao quân và ra quân huấn luyện đảm bảo kế hoạch đề ra. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên tiếp tục được nâng lên, trong năm đã kết nạp Đảng cho 71 quần chúng ưu tú (trong đó, có 8 quần chúng là học sinh); công tác cán bộ được triển khai chặt chẽ, đảm bảo đúng các quy định hiện hành; có 64/64 đảng viên là thôn trưởng; 64/64 bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng hoặc trưởng ban công tác mặt trận thôn (làng).

Điểm sáng về kinh tế

Tiếp tục triển khai Kết luận số 08 ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", trong năm 2024, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ nhân dân trên địa bàn, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (cây sầu riêng) gắn với việc thực hiện Đề án Cải tạo vườn tạp.

Với sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, những vườn sầu riêng ở Sa Thầy tươi tốt, trĩu quả mỗi vụ thu hoạch

Đến nay, tổng diện tích cải tạo vườn tạp trong năm 2024 trên địa bàn đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 757,73 ha (sầu riêng 563,58 ha, mắc ca 112,92 ha, cây khác 81,24 ha). Được biết, để có diện tích trên, nguồn Ban Thường vụ vận động, hỗ trợ 137,48 ha (sầu riêng 111,97 ha, mắc ca 25,51 ha); nguồn từ các chương trình mục tiêu 153,07 ha (sầu riêng 107,27 ha, mắc ca 35,8 ha, cây khác 10 ha); nhân dân tự trồng 467,18 ha (sầu riêng 344,34 ha, mắc ca 51,6 ha, cây khác 71,24 ha)… Theo đó, tổng nguồn kinh phí đã thực hiện lồng ghép từ các chương trình, huy động ước thực hiện khoảng 14,1 tỷ đồng.

Qua đánh giá, công tác cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện trong năm 2024 đã được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đã tạo thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân trên địa bàn ủng hộ, tích cực hưởng ứng. Có thể nói, trong năm 2024, công tác cải tạo vườn tạp là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đặc biệt, những năm qua, ý thức được việc chăm lo cho các gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, nguồn vận động xã hội hóa và sự ủng hộ toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Sa Thầy đã cấp hơn 447 con bò cái sinh sản từ các chương trình mục tiêu Quốc gia cho người dân trên địa bàn nay đã sinh sản, phát triển rất tốt

Nhờ vậy, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn được người dân tích cực hưởng ứng và được lan tỏa mạnh mẽ với nhiều cách làm hay, sáng tạo, trở thành phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, góp phần tích cực cho công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xóa được 111 căn nhà tạm (gấp gần 4 lần số lượng nhà tạm đã xóa trong năm 2023), với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ là hơn 5,6 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền hộ gia đình đã đối ứng thêm). Với những kết quả đã đạt được, có thể nói trong năm 2024, ngoài cải tạo vườn tạp thì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của huyện.

Ngoài ra, trong năm 2024 Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong năm 2024, không để xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các chỉ tiêu, kế hoạch về trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn đều vượt kế hoạch tỉnh giao.

Ban Thường vụ Huyện uỷ Sa Thầy đã ban hành kế hoạch cụ thể tổ chức đại hội trong toàn Đảng bộ, Quyết định thành lập các tiểu ban. Đến nay, việc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đại hội đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch đề ra; các dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành đã được lấy ý kiến nhiều lần.