Báo Tiền Phong đăng bài “Rừng sinh thái bị phá tan hoang” ngày 12/11/2014, theo đó, trong 2 năm chờ UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi diện tích rừng Cty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) thuê để bàn giao lại cho Cty CP Thương mại và Du lịch sinh thái Bản Đôn (gọi tắt là Cty Bản Đôn), hơn 1.300 ha rừng sinh thái ở xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị lâm tặc ngang nhiên phá hoại.
Cuối tháng 10/2014, PV có chuyến đi thực tế và tận mắt chứng kiến hàng chục cây gỗ quý như giáng hương, căm xe, lim, gáo vàng… bị lâm tặc chặt hạ, cưa xẻ thành lóng tròn. Nhiều cây gỗ lâm tặc đốn ngã nằm ngay tại khu trung tâm, cạnh trục đường chính và gần trạm quản lý, bảo vệ rừng.
Rừng bị mất trong thời gian dài chờ làm thủ tục chuyển giao, lãnh đạo hai bên Cty lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, khẳng định, trên danh nghĩa, Dakruco vẫn là chủ của hơn 1.300 ha đất và rừng sinh thái ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Trong khi chờ đợi UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi, Dakruco phải chủ động tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Việc để mất rừng trong diện tích được UBND giao, Dakruco phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Voi nhà chờ kéo gỗ ra khỏi rừng.
Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, khẳng định trước các đại biểu, Dakruco được UBND tỉnh cho thuê 1.336,7 ha đất rừng và rừng sinh thái để xây dựng khu du lịch sinh thái Buôn Đôn. Sau gần 9 năm quản lý, khu rừng này đã bị chiếm dụng và khai thác bừa bãi. Nguyên nhân chính là do Cty buông lỏng quản lý để mất rừng, nên Dakruco và các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm.
Sở đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn tham mưu cho UBND huyện Buôn Đôn thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên tuần tra, bảo vệ và xử lý các vi phạm pháp luật tại rừng sinh thái.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ quyết định thu hồi, rừng sinh thái tiếp tục bị phá hoại, lâm tặc ra vào ngang nhiên như chốn không người. Ngày 30/12/2014, từ tin báo của người dân, PV trở lại rừng sinh thái Buôn Đôn. Những cây căm xe (nhóm II), cà chít (nhóm IV) đường kính lớn bị đốn hạ hàng loạt. Có những cây cổ thụ đường kính gần 1m cách nhà khách của khu du lịch chỉ khoảng vài chục mét cũng bị hạ.
Chị V. dẫn đường, luồn lách đưa PV tiến sâu vào rừng theo hướng lên đồi Tâm Linh trong rừng sinh thái. Nơi đây cảnh càng tan hoang, hàng chục cây gỗ quý bị cưa hạ, dấu vết còn mới nguyên. Có những khoảnh rừng dường như mất trắng, cây cổ thụ bị hạ hết, nhiều khúc gỗ nằm ngổn ngang. Lâm tặc dùng máy cưa để hạ cây, cắt gỗ thành từng lóng tròn ngay tại gốc. Tùy vào kích thước gỗ, khoảng cách, địa hình…, lâm tặc sử dụng xe đạp, xe máy, máy cày “độ” hoặc thuê voi kéo để đưa gỗ ra bìa rừng tập kết. Để tránh lực lượng chức năng, chiều tối hoặc ban đêm, lâm tặc mới vận chuyển gỗ ra để tiêu thụ.
Ông Y Thông Niê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, cho biết, hiện khu du lịch chỉ để lại một số nhân viên để bảo vệ tài sản. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng thu hồi diện tích rừng của Cty Cao su Đắk Lắk để giao cho đơn vị khác, các ngành chức năng của huyện Buôn Đôn phối hợp lực lượng công an và dân quân tự vệ xã Krông Na tạm thời phụ trách quản lý, bảo vệ khu rừng này.
Ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, xác nhận, năm 2014, UBND xã Krông Na và đoàn liên ngành của huyện Buôn Đôn đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm lâm luật, thu giữ nhiều tang vật và xử phạt các đối tượng liên quan. Chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ, nhưng họ bỏ mặc để lâm tặc hoành hành. Huyện đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xem xét trách nhiệm của Dakruco và Cty Bản Đôn trong việc để mất rừng, sớm thu hồi diện tích này để giao lại cho đơn vị khác có năng lực quản lý, bảo vệ.