Rock Sài Gòn… đại hạ giá

TP - Một điều tưởng nghịch lý nhưng đang diễn ra giữa thủ phủ nhạc rock, đó là các ban nhạc rock Sài Gòn ầm ĩ một thời đang đứng trước nguy cơ tan rã trước sức tấn công “ồ ạt” của phong trào ghi ta thùng và âm nhạc điện tử và các môn giải trí khác.
Quán cà phê Bụi, điểm cuối cùng tập họp các rocker kỳ cựu của Sài Gòn. Ảnh: T.N.A

Từ câu chuyện của “hoàng tử nhạc rock”

Nói đến nhạc rock mà âm thanh chính của nó là ghi ta điện, người ta không thể không nói tới nghệ sĩ Công Danh, hay thường gọi là Danh Sinco. Anh Công Danh là nghệ sĩ solo ghi ta lừng lẫy từ trước năm 1975 và vẫn là nghệ sĩ đầu đàn tại TPHCM. 

Anh là người chuyên môn rất vững vàng và vốn là cây ghi ta chính của Đoàn ca nhạc nhẹ Bông Sen trứ danh thành phố, là nghệ sĩ chính của ban nhạc Rock Sinco. Tiếng đàn của anh giúp các tụ điểm nhạc rock Sài Gòn thêm đông khách. Bản thân anh từng được in một CD chơi ghi ta riêng của mình.

Các đây vài ba năm, gặp anh, thấy anh rất bận rộn mỗi tối, suốt tuần. Nghệ sĩ hàng đầu này diễn ở khắp thành phố, chưa kể diễn ở các tỉnh. Anh có hẹn tôi cùng lên tập nhạc với ban nhạc của anh để cùng đi diễn cho vui. Mọi người bảo tôi: “Sợ cậu không tập nổi vì phải đi tập lúc 1 giờ trưa nắng nôi thế này!”.

Bây giờ, anh nói với tôi: “Mỗi tháng có khi chỉ còn một buổi diễn thôi, thậm chí vài tháng mới có tụ điểm gọi một lần, ít chương trình, nên khó tổ chức tập quá. Vì tập mà không có nơi diễn thì sao kêu anh em đi tập được nữa”.  Trước kia, diễn mỗi tối, nhu cầu buộc phải tập bài mới, giờ thì nhu cầu tập cái mới chẳng hiện diện nữa. Lâu lâu tụ tập lại thì chơi những bản nhạc quen thuộc. Sức hút của ban nhạc càng giảm dần đi.

Ban nhạc Sinco có anh Tài, ca sĩ có ngón đàn rất “Tây”. Tính anh hồn hậu và yêu nhạc đến lạ. Tôi tới quán Yoko xem ban nhạc của anh diễn. Anh Tài chạy từ trên sân khấu xuống bảo: “Em chơi đàn rất hay, tí nữa anh giới thiệu với khán giả là em mới ở Hà Nội vô thì em lên chơi cùng bọn anh luôn, nhưng em hứa là phải đứng chính giữa sân khấu, không được núp sau cánh gà nghen”.

 Nói rồi, anh vội chạy lên đứng ra một góc, chuẩn bị chỗ cho tôi. Không có sự chuẩn bị, nên tôi xách ba lô đi trước. Bây giờ, anh Tài không chỉ đã rời Sinco mà còn rời khỏi Sài Gòn, lưu lạc đâu đó dưới Vũng Tàu để mưu sinh. Nghe anh bảo: “Ở Vũng Tàu người ta xem nhạc rock nhiều hơn ở Sài Gòn”.

“Dừa” cũng muốn khô!

Khi tôi mới vào Sài Gòn, cách đây gần chục năm, anh em nghệ sĩ trẻ giới thiệu tôi tới quán nhạc rock Yoko, nơi các ban nhạc rock đình đám diễn hằng đêm. Người ta nói rằng quán này là cái nôi nhạc rock Sài Gòn. Nghệ sĩ Linh “xù” giọng ca chính của ban nhạc “Những quả dừa” cùng ca sĩ Thạch Hà có khi mỗi tuần diễn tới 4 tối. Rồi sau đó, Thạch Hà rời ban nhạc để biểu diễn ở một tụ điểm âm nhạc nhẹ nhàng hơn. Tiếp theo, Linh “xù” cũng lang bạt qua những nhóm nhạc khác.

Anh Phương Yoko, nghệ sĩ ghi ta luôn có ý thức tìm tòi những cái mới, hằng đêm đi diễn về, còn tự tập nhạc đến 1 giờ sáng. Anh từng bảo tôi: “Anh nhiều dự định lắm, mà công việc ban nhạc không ổn định, nên không thể tụ tập anh em tập tành nhiều”. Anh Phương Yoko hầu như không còn biểu diễn ở quán Yoko nữa mà dồn sức cho việc dạy học và thu âm, nghiên cứu về âm nhạc.

 Tay trống của ban nhạc thì mưu sinh bằng việc hát nhạc Jazz cho quán của nghệ sĩ Saxo Trần Mạnh Tuấn. Cuối tháng Sáu này, anh Phương Yoko có buổi giới thiệu về tính năng của một hãng đàn ghi ta rock nổi tiếng của Mỹ cho hãng Việt Thương. Tôi ghé thăm anh ở quận 10, thấy anh chăm hai đứa con nhỏ, vẫn tranh thủ luyện ngón đàn mỗi ngày, nhưng anh cũng cho biết: “Mỗi tuần chỉ vài sô diễn”.

Những ban nhạc rock có tiếng khác xem ra cũng không khác là bao. Một người nhà của thành viên ban nhạc rock tiếng tăm từng tham gia các liên hoan nhạc rock toàn quốc cũng  cũng lên mạng cho biết ban nhạc chỉ nhận được lời mời từ vài tụ điểm biểu diễn và nếu tương lai còn bị cắt giảm thì gia đình sẽ rơi vào khó khăn...

Cà phê nhạc hạ giá?

Theo nghệ sĩ Công Danh thì “Sở dĩ các chủ quán nhạc không còn gọi các nghệ sĩ và ban nhạc tiếng tăm là do họ không có chi phí. Các quán thường chỉ mời một cây ghi ta thùng đệm hát, với một trống hộp, chi phí rẻ”.

Chi phí mời một ban nhạc rock khoảng 1,5 – 2 triệu cho khoảng 5, 6 nghệ sĩ, chưa kể đầu tư dàn âm thanh ánh sáng tốn kém. Trong khi đó, với ban nhạc  acoustic âm thanh mộc chủ yếu là ghi ta thùng và nhiều người chơi nhạc nghiệp dư, tiền trả công cho ban nhạc giảm nhiều. Một quán nhạc ở đường Lê Thị Thập, quận 7 cho chúng tôi biết: “Giá bán cà phê giữa ngày thường và đêm nhạc vẫn như nhau. Phụ thu cho đêm nhạc chỉ vài chục ngàn mỗi người”.

Những quán nhạc dùng âm thanh điện tử DJ cũng nở như nấm sau mưa. Chỉ riêng trong khu cư xá Bắc Hải đã có hàng chục quán cà phê nhạc DJ với những cô gái ăn mặc áo quần bó sát, điều khiển âm nhạc phục vụ khách đêm đêm. Cũng tại đây có khoảng 5 quán cà phê ghi ta mộc, nghệ sĩ hát và hát giao lưu với khán giả. Người xem vừa thưởng thức giọng ca của ca sĩ lại vừa có thể lên sân khấu trổ tài. Tuy vậy, khách cũng chỉ lác đác.

Trớ trêu là chính ở khu cà phê sầm uất này có một “quán cóc” của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, nơi nhiều ca sĩ nhạc sĩ dòng nhạc rock ghé chơi, tôi thấy cả nhạc sĩ Trần Huân tác giả ca khúc “Tóc nâu môi trầm”. Không ít rocker như Linh “xù” chẳng hạn, thường tới quán cóc này ôm đàn mà hát với ông chủ quán cho đỡ nhớ nghề.

Rock 10.000 đồng

Sáng Chủ nhật vừa rồi, chúng tôi tới quán cà phê Bụi ở gần kênh Nhiêu Lộc. Buổi sáng nhưng quán lại tổ chức chương trình diễn nhạc rock kinh điển. Người nghe chủ yếu là anh em trong giới chơi nhạc và cả những tín đồ sót lại. Ban nhạc toàn người tóc hoa râm và cùng nhau hòa ca vào những bản rock “nằm lòng”của thành phố này từ những năm 1960.

Các nghệ sĩ rock và người yêu nhạc chia sẻ đam mê với nhau trong những quán cà phê buổi sáng để thỏa lòng nhớ rock.

Anh Cang chủ quán cũng là một tay trống những năm trước, nói: “Hầu như toàn thành phố không còn nơi nào thường xuyên diễn rock kinh điển như hồi trước nữa. Hàng trăm nghệ sĩ rock cả đời cống hiến cho nghệ thuật này bỗng dưng vài năm lại đây không có việc làm. Một số chuyển sang chơi nhạc Bolero, số khác thì thất nghiệp”. Anh Cang nói: “Tôi mở quán này là chỗ để anh em đến chơi nhạc đỡ nghiền”. 


Vợ anh Cang nói: “Phụ thu mỗi người chỉ 10.000 đồng bồi dưỡng cho anh em ban nhạc, động viên các anh ấy thôi”. Nhạc sĩ Văn Hiệp ở Trường nghệ thuật quân đội, sau khi nghe Công Danh chơi nhạc ở quán Bụi này, nói: “Đúng là một nghệ sĩ nhạc Blue bậc thầy của Việt Nam”.  Những người quen của quán bùi ngùi kể: “Khi anh Công Danh chơi nhạc, người đi đường dừng lại hỏi: ai chơi đàn nghe như Công Danh vậy? Sau thấy anh Công Danh chơi nhạc trong quán vỉa hè, họ tò mò, dừng lại để nghe tiếng đàn của anh dù giữa trưa nắng rực”.

Cần những giai điệu mới

Quán Yoko vốn là tụ điểm nhạc rock nổi danh ở Sài Gòn, nơi tôi đã từng gặp nhạc sĩ Trần Lập, khi anh ghé thăm các ban nhạc rock trẻ trung của thành phố. Sự ra đi đột ngột của Trần Lập cách đây không lâu khiến giới rocker không khỏi bàng hoàng. Quán Yoko sau một thời gian xuống cấp được một nghệ sĩ trẻ là Tố Phương và người bạn trong ban nhạc của cô gây dựng lại. Song chương trình biểu diễn ở đây cũng khác trước với một dòng nhạc đồng quê và có thiên hướng World Music, Jazz hơn là Rock.

Hiện tại, hầu như chỉ còn tụ điểm RFC là ưu tiên đặc biệt cho các rocker, nhưng như nghệ sĩ Công Danh nhận xét thì: “Các ban nhạc quá đông”. Không chỉ các ban nhạc Việt Nam mà các ban nhạc rock nước ngoài cũng chật vật tìm đất diễn tại đây. Tụ điểm Acoustic, mỗi đêm tới mấy ban nhạc diễn, nhưng danh sách đợi sắp lịch diễn vẫn còn dài dài.

Việc các tụ điểm “quay lưng” hay sự thoái trào chưa từng có với nhạc rock Sài Gòn đặt ra câu hỏi về sức hút của chính nhạc rock nơi đây: Phải chăng khán giả đang chờ đợi ở rock Sài Gòn một diện mạo và những âm thanh mới?

TPHCM 6/2016

Một vài nhà phê bình trẻ nhận xét rằng trong nền âm nhạc có tính thị trường thì thật khó để trách cứ việc khán giả quay lưng lại, mà nên đặt vấn đề là làm sao để kéo khán giả đến với mình. Tôi từng đưa nhà phê bình nghệ thuật Đinh Bá Anh đi xem nhạc rock ở TPHCM và nhà phê bình này nhận xét rằng: “Các nghệ sĩ ở TPHCM chơi lại các tác phẩm nổi tiếng khá nhiều, lẽ ra họ cần phải đẩy mạnh sáng tác. Không thể tồn tại chỉ dựa vào giá trị sáng tạo của kẻ khác, dù đó là những giá trị kinh điển”.