Rơ Chăm Phiang - Họa mi thèm hót

TP - Người yêu âm nhạc tiếc nuối khi Y Moan vĩnh viễn xa Tây Nguyên, khi Siublack mất hình ảnh vì chuyện đời riêng… Nhưng Tây Nguyên vẫn còn một “mỏ vàng” chưa khai thác nhiều, ấy là Rơ Chăm Phiang, giọng ca Opera hiếm có trong dòng âm nhạc thính phòng Việt Nam.
NSUT Rơ Chăm Phiang.

Rơ Chăm Phiang đã qua mùa nhan sắc tươi thắm nhất của đàn bà, song bánh xe thời gian khắc nghiệt không thể xóa nhòa dấu vết về một người đàn bà đẹp. Ngắm Rơ Chăm Phiang tôi nghĩ đến “Đôi mắt Pleiku”, phải chăng nhạc sỹ Nguyễn Cường viết riêng cho nàng: “Em đẹp lắm Pleiku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Pleiku- Biển Hồ đầy”. “Không có đàn bà xấu…” nhưng quả thực cũng không có nhiều người đàn bà được tạo hoá ban cho gương mặt đẹp như Rơ Chăm Phiang. Có câu “Hồng nhan đa truân”, câu ấy cũng vận vào Rơ Chăm Phiang trên con đường sự nghiệp.

Cái tên như điềm báo

Rơ Chăm Phiang sinh năm 1960, người dân tộc Giarai, tỉnh Gia Lai. Tên chị trong tiếng Giarai có nghĩa: Một tiếng kêu trong trẻo. Có lẽ cha mẹ Rơ Chăm Phiang nhờ linh tính mách bảo đã tiên đoán được nghiệp cầm ca của con gái? Thời còn ở quê, chị hay đi hái măng rừng, mỗi khi hái măng, lại cất cao tiếng hát.

Giọng hát của Rơ Chăm Phiang không biết có làm muông thú trong rừng ngẩn ngơ không nhưng chính chị lại ngơ ngẩn vì… tiếng hát mình: “Thuở đó rừng hoang sơ chưa ai đụng vào, tôi ngạc nhiên sao giọng mình vang vọng đến thế”. 13 tuổi, chị tham gia đội văn nghệ quân đội, phục vụ chiến trường. 18 tuổi, Rơ Chăm Phiang ra Hà Nội nhờ trúng tuyển trường nghệ thuật quân đội.

Cô giáo Mộ Lan, một giảng viên đã từng có 7 năm đào tạo âm nhạc thính phòng tại Nhạc viện Tchaikovsky, nhận trách nhiệm dìu dắt Rơ Chăm Phiang đã vô cùng ngạc nhiên trước tiếng hát của thiếu nữ Tây Nguyên bé nhỏ, đen nhẻm: Người bé, sao giọng đẹp đến lạ kỳ! Không ai có thể ngờ rằng, Rơ Chăm Phiang sau này đã trở thành giọng ca Tây Nguyên được đào tạo bài bản nhất xưa nay, một trong những giọng hát thính phòng hiếm có ở Việt Nam. Sau 8 năm đào tạo âm nhạc chính qui tại Nhạc viện Hà Nội chị lại nhận được học bổng tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky.

Trong chặng đường ca hát của mình, Rơ Chăm Phiang đã đặt chân đến mọi miền Tổ quốc, đã từng hát cho các chiến sỹ Trường Sa, sang Campuchia biểu diễn trong những năm chiến tranh… Chị cũng là ca sỹ Việt Nam gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế: Giải 3 “Hoa cẩm chướng đỏ”, cuộc thi hát thính phòng ở Nga, năm 1983; Giải nhất cuộc thi âm nhạc mùa thu ở Triều Tiên năm 1990, giải nhất giọng hát Hà Nội-Asean năm 1996. Ở trong nước chị từng “ẵm” 9 giải thưởng khác nhau, trong đó có cả Huy chương Vàng toàn quốc (1980-1992).

“Tôi muốn hát”

Ca sỹ trẻ ở Việt Nam chưa bao giờ đông đảo như bây giờ, bởi lẽ con đường trở thành ca sỹ giờ đây dễ dàng đến mức dễ dãi. Cứ lên sân khấu hát vài bài, làm album, rồi lăng xê, rồi chiêu trò lôi kéo sự chú ý… kết quả cuối cùng là được nhắc đến nhiều. Làng giải trí ta đang vào thời lẫn lộn nổi tiếng với tai tiếng nên chẳng phân biệt “vàng, thau” .

Trong khi nhiều ca sỹ nhạc trẻ tự vỗ ngực là “ngôi sao” luôn tính đến cát- xê mỗi lần xuất hiện thì một “ngôi sao” của dòng âm nhạc bác học như Rơ Chăm Phiang lại thèm được hát như họa mi thèm hót, chẳng kể đến thù lao. Thiệt thòi khi theo đuổi dòng âm nhạc thính phòng ở Việt Nam: Đào tạo và rèn luyện khổ sở, nơi thi thố, biểu diễn không nhiều, lượng khán giả heo hắt, kéo theo đó là đời sống cơm áo gạo tiền chật vật. Cứ thực trạng này danh ca Luciano Pavarotti có sống dậy và đồng ý về Việt Nam ca hát, chắc cũng khó làm cuộc lội ngược dòng ngoạn mục cho dòng âm nhạc cao sang đã, đang thất thế. Được đào tạo công phu không có đất dụng võ xứng đáng cũng là một “nỗi truân chuyên” Rơ Chăm Phiang, cũng như của những nghệ sỹ theo dòng nhạc này.

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

“Hoạ mi Tây Nguyên” không chỉ có sở trường hát thính phòng, chị còn hát thành công những bản tình ca, dân ca Tây Nguyên. Nghe Rơ Chăm Phiang cất lời : “Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ/ Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát/ Bầy chim muông cất cánh rợp trời” cảm thấy “gai” người bởi giọng ca vừa trong trẻo, vừa bản năng dồi dào như chính mảnh đất đã sinh ra chị. Chị hát “Bóng cây kơ-nia”, “Người lái đò trên sông Pako”, “Cánh chim báo tin vui”… như một “chuẩn mực”.

Khác với nhiều ca sỹ có danh, khi xử lí ca khúc Rơ Chăm Phiang trung thành với sáng tạo của tác giả: “Tôi giữ nguyên từ những nét luyến nhỏ nhất”. Chị đang chuẩn bị cho ra đời một album tập hợp những ca khúc đã từng tạo dựng tên tuổi Rơ Chăm Phiang đi kèm những ca khúc mới. Lần đầu tiên chị thử nghiệm với dân ca Tày, những nét luyến láy của âm nhạc người Tày là thách thức với Rơ Chăm Phiang. Chị đã tìm đến một nhạc sỹ người Tày để học cách hát và chờ đợi anh đi du học suốt hai năm trời để cùng kết hợp thực hiện album. “Tại sao chị lại quyết định tự bỏ tiền túi đầu tư album khi thời hoàng kim của mình đã qua?”, tôi hỏi chị. Rơ Chăm Phiang ngậm ngùi: “Tôi muốn hát”.

“Điều tôi buồn nhất là bây giờ ít được hát trên những sân khấu lớn. Mới rồi, người ta treo băng rôn quảng cáo chương trình ca nhạc với sự góp mặt của những giọng hát nhạc đỏ hay nhất thuộc nhiều thế hệ nhưng không có tôi. Đi đường nhìn quảng cáo treo khắp nơi cũng buồn”.

NSUT Rơ Chăm Phiang

Lâu nay, chị dồn tình yêu ca hát của mình vào công tác giảng dạy ở Trường Đại học nghệ thuật Quân đội nhưng đâu đó giấc mơ về “tấm rèm nhung” vẫn ám ảnh. Thế hệ của những giọng ca vàng như NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa… vẫn còn bước lên sân khấu lớn nhưng người ta rất hiếm thấy Rơ Chăm Phiang? Không thiếu thanh, không thiếu sắc, không thiếu đào tạo, không thiếu đóng góp nhưng tên tuổi và danh hiệu cũng chỉ… lưng chừng: “Tại sao chị chỉ dừng ở danh hiệu NSƯT?”, tôi hỏi. Chị cười buồn: “Tôi cũng không biết”. Lại hỏi tiếp: “Vì sao chị ít được mời hát trong những chương trình lớn?”. Rơ Chăm Phiang lại ngẩn người: “Tôi cũng chẳng biết làm sao”.

Sinh ra ở Tây Nguyên nhưng mảnh đất chị gắn bó nhiều hơn lại là Hà Nội. Sống mòn đất thủ đô nhưng giọng nói của Rơ Chăm Phiang vẫn mang màu xứ sở. Chị “khai”: “Đến năm 75 tôi nói tiếng Kinh còn ngọng nghịu. Đến năm 78, tiếp xúc nhiều hơn, tôi nói tiếng Kinh nhiều nhưng vẫn sai dấu lung tung”. Cười hồn nhiên, kể chuyện cũng hồn nhiên và sự hồn nhiên của chị đôi lúc khiến người khác không khỏi chạnh lòng thay: “Hồi xưa tôi nhận được lời mời làm việc ở nước ngoài khá nhiều, nếu hồi đó nhận lời, chắc bây giờ tôi được đứng trên sân khấu nhiều hơn”. Ki cóp được hơn một trăm triệu đồng từ nhiều năm dạy học, Rơ Chăm Phiang đổ tất vào cuộc làm album: “Không được hát trên sân khấu thì thu đĩa vậy, cho đã cơn khát”.

Người ta bảo tôi giản dị quá

Rơ Chăm Phiang ăn mặc rườm rà hơn một công chức bình thường nhưng không bóng bẩy, hào nhoáng: “Người ta bảo tôi giản dị quá nhưng tôi cũng không biết thay đổi ra sao”. Một số người tưởng Rơ Chăm Phiang lạnh lùng nhưng chị phân bua: “Không phải thế đâu, vì tôi không phải người xô bồ, phải hiểu tính cách mới nói chuyện được, tôi không mạnh dạn bắt chuyện với những người xa lạ”.

Nữ nghệ sỹ có một gia đình hạnh phúc, chồng chị là một bác sỹ công tác tại Hà Nội: “Niềm an ủi lớn trong cuộc đời tôi là tìm được một người chồng hiểu mình”.

Được yêu hơn ở trời Tây

Chị bật mí về học bổng tu nghiệp ở Nhạc viện danh tiếng của Liên Xô cũ: “Tôi được ông Tùy viên đại sứ Thụy Điển phát hiện trong một lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn, khi đó tôi hát bài của Mozart, một trong những bài kỹ thuật rất khó. Ông ta ngạc nhiên hỏi người phiên dịch: Cô ấy quê ở đâu, đã đi học ở nước ngoài chưa? Sau khi được cô phiên dịch cung cấp thông tin: Cô ấy là người dân tộc thiểu số được đào tạo trong nước, ông đại sứ đã gặp cô giáo dạy tôi để hỏi tình hình học tập của tôi, từ đó tôi nhận được học bổng du học. Tuy nhiên tại Nhạc viện Tchaikovski, tôi đã phải vượt qua cuộc sát hạch gồm 20 học viên đến từ nhiều nước. Cuối cùng chỉ có tôi và một học viên khác đủ tiêu chuẩn học tại Nhạc viện”.

Trong quá trình du học, để đủ tiền trang trải, Rơ Chăm Phiang đi hát ở nhiều nơi, một lần chị nhận được lời mời biểu diễn vòng quanh châu Âu của một nhóm Việt Kiều tại Mỹ. Do bận học, chị phải từ chối lời mời và đồng ý ghi âm 10 bài hát Giáng sinh cho họ và nhận được cát-xê đủ trang trải suốt nửa năm học tại xứ Bạch Dương.

Tốt nghiệp với tấm bằng ưu, Rơ Chăm Phiang trở về nước phát triển sự nghiệp. Sau đó, chị còn nhiều lần được mời biểu diễn ở nước ngoài. Chị không thể quên lần biểu diễn ở Sochi (Nga), khi mới cất tiếng hát, khán giả đã đứng dậy vỗ tay rầm trời và tung lên sân khấu những đóa cẩm chướng, những bông hoa hồng để bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Tôi được yêu mến ở nước ngoài hơn trong nước”, Rơ Chăm Phiang cảm nhận. Tuy nhiên chưa bao giờ Rơ Chăm Phiang muốn định cư vĩnh viễn ở nước ngoài, những lời mời chào hấp dẫn không làm chị lung lay, vẫn muốn được làm cây kơ nia bám rễ sâu trên đất mẹ.