Ra mắt vở opera 'Công nữ Anio' kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản

TPO - Tối 22/9/2023, buổi công diễn đầu tiên vở opera “Công nữ Anio” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tham dự chương trình có Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Vở diễn nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Sau đêm diễn, Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản đã nán lại với tràng vỗ tay kéo dài gần chục phút tán thưởng vở diễn cùng hàng trăm khán giả.

Đây là tác phẩm hoàn toàn mới với nội dung được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản.

Vở opera “Công nữ Anio” được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng với Ban điều hành “Công nữ Anio” (Brain Group, Cty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến Giao lưu Quốc tế NPO) lên kế hoạch và sản xuất nhằm đánh dấu cột mốc năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tổng đạo diễn “Công nữ Anio” là nhạc trưởng Honna Tetsuji; tác giả âm nhạc: Trần Mạnh Hùng; đạo diễn – tác giả kịch bản và soạn lời tiếng Nhật: OyamaDaisuke; tác giả soạn lời tiếng Việt: Hà Quang Minh.

Đây là tác phẩm hoàn toàn mới với nội dung được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản.

Câu chuyện tình yêu có thật từ 400 năm trước là minh chứng giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đã tồn tại mối quan hệ tốt đẹp của hai đối tác bình đẳng, tin cậy lẫn nhau. Hai người yêu nhau dựa trên sự bình đẳng, vượt qua cả sự khác biệt quốc gia và giai cấp. Bằng cách tái hiện câu chuyện có thật trong lịch sử qua vở opera, Ban tổ chức mong muốn tác phẩm sẽ trở thành biểu tượng thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai 50 năm, 100 năm tới.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), vở Opera “Công nữ Anio” sẽ được truyền bá ra thế giới với mục đích lưu truyền câu chuyện đến thế hệ mai sau như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Đảm nhận vai trò Cố vấn danh dự cho Dự án là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - ngài Yamada Takio và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - ngài Phạm Quang Hiệu. Dự án được bảo trợ bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, cũng như có được sự khuyến khích, đồng hành từ lãnh đạo các địa phương của hai nước, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị, đoàn thể ở các lĩnh vực công, tư, giáo dục của cả hai nước.

“Công nữ Anio” được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong ba đêm 22, 23 và 24/9/2023. Tiếp đó, vào ngày 27/9, tác phẩm sẽ đến với công chúng Hưng Yên tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Vào tháng 11/2023, buổi diễn ra mắt công chúng Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Hội trường Hitomi Memorial Hall của Trường Đại học nữ sinh Showa, Tokyo.

Một cảnh trong vở Opera "Công nữ Anio".

Thể hiện các vai chính trong vở Opera là những giọng ca opera trẻ tài năng của Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, vai Anio trong hai đêm 22 và 24/9 là Đào Tố Loan – giọng Soprano từng giành giải Nhất cuộc thi Opera quốc tế, vai Sotaro là Kobori Yusuke – giọng Tenor từng đạt giải Nhì cuộc thi âm nhạc Tokyo lần thứ 16 và giải Nhất cuộc thi âm nhạc Nhật Bản lần thứ 88. Ở đêm diễn 23/9, hai nghệ sĩ đảm nhận vai chính này là Bùi Thị Trang và Yamamoto Kohei.

“Công nữ Anio” được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong ba đêm 22, 23 và 24/9/2023. Tiếp đó, vào ngày 27/9, tác phẩm sẽ đến với công chúng Hưng Yên tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Vào tháng 11/2023, buổi diễn ra mắt công chúng Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Hội trường Hitomi Memorial Hall của Trường Đại học nữ sinh Showa, Tokyo.

Điểm đặc biệt của vở diễn là toàn bộ diễn viên đều hát mộc, không dùng bất cứ thiết bị trợ âm nào. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải thực sự có nội lực, có kỹ thuật tốt và luyện thanh cực kỳ nghiêm túc, chỉn chu. Mặt khác, hiện cũng chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội đủ tiêu chuẩn để nghệ sĩ có thể hát mộc, không bị tiêu âm.

Toàn bộ diễn viên đều hát mộc, không dùng bất cứ thiết bị trợ âm nào. Các nghệ sĩ Nhật Bản đã phải dày công tập luyện để có thể hát Opera bằng tiếng Việt.

Các nghệ sĩ Nhật Bản đã phải dày công tập luyện để có thể hát Opera bằng tiếng Việt. Nghệ sĩ Kobori Yusuke (vai Araki Sotaro) từng chia sẻ: Tiếng Việt cực kỳ khó. “Vấn đề khó khăn nhất đối với tôi khi học tiếng Việt là sự phong phú của các nguyên âm tiếng Việt. Tiếng Việt có quá nhiều nguyên âm. Để khắc phục được điều này, tại Nhật Bản tôi có những buổi luyện tập phát âm tiếng Việt với giáo viên người Việt Nam, mỗi buổi tập kéo dài 1 - 2 giờ. Trong những lần đó vừa tập hát, tập phát âm, tập nghe, tập nói, tập luyện khẩu hình để sao cho phát âm chính xác”.

Sau đêm diễn, nghệ sĩ Đào Tố Loan chia sẻ: “Thực sự vinh dự và tự hào khi được tham gia dự án lớn như thế này trong vai nữ chính. Tôi nghĩ không có nhiều cơ hội như thế này cho nghệ sĩ Việt được tham gia. Ngày hôm nay tôi đã cháy hết mình, làm hết mình, hết khả năng mình có thể”.

Bằng cách tái hiện câu chuyện có thật trong lịch sử qua vở opera “Công nữ Anio”, Ban tổ chức mong muốn tác phẩm sẽ trở thành biểu tượng thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai 50 năm, 100 năm tới.