Rà cá được sưa “khủng”, nghìn người vây kín

TP - Một thanh niên tên Huy ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đang rà cá trong đêm ở suối Troóc, đoạn qua thôn Thành Sen 1 thì phát hiện một cây sưa cổ thụ chìm dưới nước.
Gần nghìn người dân tập trung tại suối Troóc vì sức hút của cây sưa

Huy âm thầm trục vớt, nhưng bại lộ, bị gần nghìn người dân vây kín, chính quyền vất vả vào cuộc. 

PV Tiền Phong có mặt tại suối Troóc từ sáng sớm 25/2. Tại đây đã có hàng trăm người dân vây kín quanh khu vực được cho là có cây sưa đang chìm dưới nước.

Dọc suối Troóc và hai bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, xe máy đậu kín kéo dài hàng trăm mét. Suối Troóc là suối cạn, nằm ngay cửa ngõ vào Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng. Vị trí được cho là có cây sưa nằm cách khu dân cư thôn Thành Sen 1 chừng 200m.

Theo những người dân có mặt tại hiện trường, anh Huy phát hiện cây sưa vào khoảng 3 giờ sáng 23/2, sau đó âm thầm thuê người trục vớt. Tuy nhiên, cây sưa quá lớn, lại có một phần chìm trong đất, nên việc trục vớt thủ công bằng ròng rọc không hiệu quả.

Do không thể đưa cây sưa lên được bằng ròng rọc, rạng sáng 25/2, nhóm của anh Huy huy động xe múc để trục vớt cây sưa thì bị lộ, người dân ùn ùn kéo đến với hy vọng được chia phần. Cơ quan chức năng xã, huyện, tỉnh, kiểm lâm, công an, quân đội và VQG cũng có mặt để giải quyết sự việc.

Trước tình hình diễn biến quá nóng tại suối Troóc, ngay trong ngày, Sở TT&TT Quảng Bình liên lạc qua điện thoại với tất cả các cơ quan báo chí trên địa bàn để họp báo liên quan cây sưa nói trên.

Một nhân chứng đã tiếp cận hiện trường cho biết, cây sưa có đường kính hơn 1m, một phần thân nằm sâu trong lòng đất dưới đáy suối, chưa rõ chiều dài. Phần còn lại cách mặt nước 1m, dài khoảng 2m.

Những người trục vớt đã dùng xà beng bới đất để quàng sợi xích vào thân cây, rồi dùng ròng rọc cẩu lên.

Quá trình trục vớt đã bị đứt đến 3 sợi xích, nhưng cây sưa vẫn không có dấu hiệu di chuyển. Họ cũng đã dùng cưa tay, cắt được hai khúc rễ, nặng chừng 50kg, ngay khi vừa đưa lên khỏi mặt nước đã bị những người ở trên bờ cướp mất.

Khoảng 10 giờ sáng, nhóm người trục vớt ngừng công việc và anh Huy chấp nhận thương thảo về phương án trục vớt, ăn chia với cơ quan chức năng. Anh Huy không đồng ý nhận 10% giá trị cây sưa như phía chính quyền đưa ra.

Tuy nhiên, trước tình hình có chiều hướng diễn biến phức tạp, người dân đổ dồn về ngày càng nhiều, anh Huy đồng ý phối hợp với chính quyền để trục vớt, nhưng mức ăn chia như thế nào thì không được tiết lộ.

Chiếc xe múc của nhóm anh Huy huy động trước đó được chính quyền trưng dụng để trục vớt. Tuy nhiên, khi vừa di chuyển đến vị trí thì một diễn biến bất ngờ xảy ra. Hàng chục người la ó gây áp lực, yêu cầu chính quyền bồi thường hoa màu do bánh của chiếc xe này chạy qua nghiền nát.

Trong lúc đó, giới trùm buôn bán gỗ sưa và giang hồ trong vùng cũng có mặt kích động người dân nhằm trục lợi. Chúng đòi bảo kê việc trục vớt, cho rằng đây là của giữa trời, nên người dân cần được hưởng lợi.

Theo một thông tin chưa được kiểm chứng, trùm buôn gỗ H. “Mía” đã bỏ ra cho anh Huy 1 tỷ đồng để mua phần ăn chia của anh Huy với Nhà nước sau này.

Theo quan sát của PV, H. “Mía” có mặt khá sớm, rất hăng hái tiếp xúc với người của anh Huy và cả người của cơ quan chức năng.

H. “Mía” là một trong những nhân vật nổi tiếng trong vụ 3 cây sưa ở Hung Trí, thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng hồi năm ngoái.

H. “Mía” đã thu gom rất nhiều tiền của các “xâu” (đầu nậu nhỏ lẻ) để đưa trót lọt 40 gùi gỗ sưa (39 tỷ đồng) ra khỏi rừng trong đêm 1/5/2013.

Tuy nhiên, trong vụ án 3 cây sưa, H. “Mía” đã không bị nhắc đến. Hiện H. “Mía” vẫn chưa trả tiền lại cho các “xâu”, với lý do chưa bán được hàng, khiến nhiều “xâu” rơi vào cảnh nợ nần, phá sản.

Trong lúc đó, nhiều người dân nói rằng, đã có đối tượng tiếp xúc với người lái máy xúc, yêu cầu dùng gàu băm nhỏ cây sưa để người dân xông vào cướp giật.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, rất nhiều đối tượng đã ép sẵn cưa máy, đợi cho việc trục vớt thành công, nếu có cơ hội sẽ xông vào “hôi của”.

Đến cuối giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, ông Phan Văn Gòn, cho biết, dù chính quyền đã động viên người dân giải tán, nhưng vì sức hút của giá trị cây sưa quá lớn, nên tình hình vẫn không được cải thiện.

Cơ quan chức năng đã quyết định dừng việc trục vớt để tránh sự cố xấu có thể xảy ra. Hiện chính quyền đã huy động hơn 100 công an, kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường trong đêm để ngày mai tiếp tục trục vớt.

Ông Gòn cho biết, huyện đã trích 16 triệu đồng đền bù cho hai hộ có hoa màu bị hư hại.