Quyền được biết

TP - Gần đây, tại TPHCM liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều thì lên đến cả tỷ bạc mà phương thức rất đơn giản: chỉ thông qua vài câu hù dọa, kẻ xấu đã khiến nạn nhân mang cả mớ tiền đi gửi vào tài khoản do chúng đưa ra. 

Một lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh, TPHCM, nơi vừa xảy ra một số vụ, nói: “Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân rất nhiều, thậm chí còn cử cán bộ đem phát tờ rơi đến tận nhà nhưng người dân vẫn bị lừa, thật không hiểu nổi”.

Nhưng có lẽ chỉ những ai đã đọc thông cáo hay tờ rơi của công an mà vẫn mắc lừa thì mới không thể hiểu nổi. Có thể chắc chắn rằng các nạn nhân chưa biết hoặc chưa được công an thông báo về phương thức và thủ đoạn của bọn tội phạm nên mới bị vào bẫy của chúng.

Tình tiết của các vụ lừa đảo cho thấy điểm chung là bọn tội phạm dùng “danh” công an, sử dụng điện thoại giả đầu số của công an để hù dọa người dân và xem ra chiêu này hiệu quả. Nó cũng cho thấy một điều: rất nhiều người dân đang không biết mình có những quyền gì và những quyền ấy được vận dụng ra sao. 

Trong các bộ phim hình sự Mỹ, cảnh sát khi bắt nghi can nào đó đều có một câu nói quen thuộc, cho thấy sự tôn trọng quyền và nghĩa vụ của công dân, kể cả họ đang là nghi can, bởi nguyên tắc căn bản: Một người sẽ chỉ bị coi là phạm tội khi có bản án được tuyên trước tòa rằng anh ta phạm tội. 

Chính vì vậy, trước khi còng tay nghi can, cảnh sát nhiều nước luôn nói: “Anh đã bị bắt. Kể từ bây giờ trở đi, anh được quyền giữ im lặng bởi bất cứ câu nói nào của anh kể từ lúc này có thể được dùng làm bằng chứng buộc tội anh trước tòa”. Nghi can khi bị cảnh sát “hỏi thăm” cũng có quyền giữ im lặng với câu nói quen thuộc: “Hãy làm việc với luật sư của tôi”, hoặc “Tôi chỉ khai khi có mặt luật sư”.

Mới đây, trên một diễn đàn của những người dùng ô tô ở Việt Nam truyền nhau một bài viết về cách ứng xử với CSGT khi bị chặn xe. Tác giả đã có những diễn giải, phân tích rất cặn kẽ về khía cạnh luật pháp và những quy định của ngành công an, tác phong, thái độ theo quy định của CSGT…

Rất nhiều phần trong bài đều được trích từ các quy định của ngành công an và đang có hiệu lực nhưng những phản hồi của các thành viên cho thấy rất nhiều người dân không nắm được và nếu nhân viên công lực có làm sai quy định thì cũng ít người “đủ lý” để phản đối. 

Những vụ án oan sai, những vụ lừa đảo như kể trên chắc sẽ ít đi nếu người dân nhận thức tốt hơn về quyền công dân của mình. Nhưng lỗi này không phải hoàn toàn chỉ ở người dân.