Số liệu từ Bộ Tài chính - cơ quan giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) - cho thấy, tới hết năm 2022, quỹ kết dư gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp 175 lần năm 1998, gấp 2,1 lần năm 2016. Quỹ BHXH gồm các quỹ thành phần: Quỹ Hưu trí và tử tuất; quỹ Ốm đau và thai sản; quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật BHXH năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tới hết năm 2021, quỹ BHXH kết dư đem đầu tư hơn 983 nghìn tỷ đồng. Trong đó, quỹ Ốm đau và thai sản kết dư hơn 13,4 nghìn tỷ đồng, bằng gần 44% số chi trong năm, để đảm bảo an toàn, quỹ này cần kết dư chuyển năm sau bằng từ 1 - 1,5 lần mức chi của năm trước liền kề. Với số kết dư quỹ Ốm đau và thai sản như hiện nay chưa đảm bảo cân đối tài chính quỹ.
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư hơn 54 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 61 lần số chi quỹ trong năm 2020. “Số chi từ quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp rất ít so với số thu, kết dư quỹ trong giai đoạn này rất lớn. Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đảm bảo cân đối”, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.
Quỹ Hưu trí và tử tuất giai đoạn vừa qua số thu luôn vượt chi, hết năm 2020, quỹ này kết dư hơn 794,8 nghìn tỷ đồng. Với số dư này, về cơ bản trong ngắn hạn quỹ Hưu trí và tử tuất đảm bảo cân đối. Tuy nhiên, trong dài hạn cần có những đánh giá cụ thể và kỹ càng hơn, nhất là đối với vấn đề “nợ lương hưu tiềm ẩn” của quỹ Hưu trí và tử tuất.
Về đầu tư quỹ, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2014-2022, lãi suất bình quân đầu tư quỹ luôn cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, lãi đầu tư quỹ thực dương, được bảo toàn giá trị và tăng trưởng. Quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách có quy mô lớn nhất. Quỹ BHXH chủ yếu dùng mua trái phiếu Chính phủ (hơn 85%), cho ngân sách nhà nước vay và gửi tại các ngân hàng thương mại hoạt động động tốt. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm thời gian gần đây, từ 8 - 9%/năm vào năm 2014 còn 5,8%/năm vào năm 2019.
Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, hoạt động đầu tư quỹ BHXH mang về số tiền lãi hơn 38 nghìn tỷ đồng (lãi suất bình quân hơn 7,2%/năm); tới năm 2021, con số tiền lãi từ đầu tư mang về cho quỹ BHXH hơn 43 nghìn tỷ đồng (lãi bình quân gần 4,4%/năm).
Ngoài phần chính mua trái phiếu, cơ quan quản lý quỹ sử dụng 0,1% cho ngân hàng thương mại vay; khoảng 13-15% tổng quỹ để gửi tiết kiệm, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng thương mại nhà nước.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc đầu tư quỹ BHXH được duy trì theo hướng bảo đảm tính bền vững; kết dư các quỹ đem đầu tư có xu hướng tăng qua từng năm; hình thức đầu tư quỹ đã có sự đa dạng và theo hướng ngày càng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, danh mục đầu tư quỹ BHXH còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, khi phần lớn dùng mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất xu hướng giảm.
Từ đó, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng danh mục đầu tư cho quỹ BHXH, đa dạng hơn các sản phẩm tài chính quỹ BHXH sẽ tham gia đầu tư, nhằm mục tiêu ổn định, bảo toàn nhưng vẫn tăng cao hiệu quả đầu tư.