Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão Noru của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng 26/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, vào lúc 5h sáng nay, bão Noru đã vượt qua Philippines đi vào Biển Đông. Dù khi qua Phillippines, do ma sát với địa hình, bão suy yếu một chút nhưng khi vào Biển Đông, bão Noru đã mạnh trở lại.
Theo dự báo của các cơ quan quốc tế, 100% đều cho rằng bão Noru không có dấu hiệu nào về giảm cường độ khi đổ bộ vào Việt Nam. Thậm chí, có những yếu tố thuận lợi để bão trở nên mạnh hơn, ảnh hưởng nguy hiểm đến nước ta.
Theo ông Khiêm, khi bão Noru đi qua khu vực Hoàng Sa (Việt Nam), cường độ có thể đạt cấp 13, giật cấp 14. Do vậy, từ nay đến ngày mai, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16 (cấp siêu bão); sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Đến rạng sáng ngày 28, khu vực đất liền bắt đầu chịu tác động mạnh. Trong đó, các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp như Đà Nẵng – Bình Định do bờ biển thoáng, không có vật chắn nên dự báo gió có thể đạt cấp 13, giật cấp 14-15.
Ngoài ra, từ chiều mai, bão Noru sẽ gây mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh cho toàn bộ khu vực Trung Trung Bộ - Tây Nguyên, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm… Nguy cơ sạt lở tại các khu vực miền núi rất cao.
Huy động Quân khu 4 và Quân khu 5 vào cuộc
Tại cuộc họp, Thượng tá Đỗ Duy Phương, Đại diện Văn phòng Uỷ ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ Quốc phòng) - cho biết, trước tình hình nguy hiểm của bão Noru, sáng nay, Bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ đạo Quân Khu 4 và Quân khu 5 sẵn sàng lực lượng và phương tiện để phối hợp với các địa phương phòng, chống bão. Hiện, hai Quân khu này đã cử lực lượng xuống các địa phương để phối hợp với người dân chằng chống nhà cửa, kiểm tra công tác chuẩn bị…
Theo thống kê, hiện còn 112 nghìn ha lúa từ Thanh Hóa - Bình Thuận chưa thu hoạch, trong đó 25 nghìn ha đến thời kỳ thu hoạch. Ông Phương cho rằng, trước ảnh hưởng của bão, nguy cơ thiệt hại về hoa màu của người dân rất lớn. Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị các địa phương khẩn trương thống kê cần quân đội huy động bao nhiêu người để hỗ trợ bà con gặt lúa, thu hoạch hoa màu, thủy sản.
“Bộ Quốc phòng đã báo động lực lượng chuẩn bị ứng phó ở mức cao nhất. Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh đã được yêu cầu trong trạng thái sẵn sàng”, Thượng tá Phương nói.
Theo ông Phương, với sức gió mạnh cấp 13 giật cấp 14-15 của bão Noru, các tàu thuyền trong khu vực neo đậu khó tránh được thiệt hại. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài gây nguy cơ cao sạt lở cho khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. “Các đơn vị và địa phương cần thành lập sở chỉ huy, đánh giá khả năng sạt lở ở các khu vực và sẵn sàng phương án sơ tán dân khi thấy diễn biến mất an toàn”, ông Phương đề nghị.
Còn 1.400 ngư dân hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão
Thông tin về tình hình tàu thuyền, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ tư lệnh Biên phòng) – cho biết, tính đến sáng nay, tất cả các phương tiện, tàu thuyền trên Biển Đông đã nắm được thông tin về bão và đang tích cực di chuyển xuống phía Nam.
Tuy nhiên, hiện còn 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão. Trong đó, Đà Nẵng có 7 tàu/45 ngư dân; Quảng Nam 18 tàu/213 ngư dân; Quảng Ngãi 87 tàu/684 ngư dân; Bình Định 65 tàu/456 ngư dân.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.