Quan điểm của Việt Nam và Mỹ về vấn đề biển Đông

TP - Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trả lời một số câu hỏi của các nhà báo trong và ngoài nước xung quanh vấn đề biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter.

Mỹ đang kêu gọi tất cả các nước có tranh chấp trong khu vực dừng ngay hoạt động bồi đắp, tôn tạo các thực thể trên biển. Quan điểm cũng như cách nhìn nhận của Bộ trưởng về các tranh chấp đang diễn ra trong khu vực?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Sáng nay, ngài Bộ trưởng Carter cũng nêu vấn đề này trong trao đổi giữa 2 đoàn Việt Nam và Mỹ. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này hết sức rõ ràng. Chúng tôi luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không làm mở rộng tranh chấp và phức tạp thêm tình hình. Các nước ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Việt Nam vừa qua có củng cố các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Như các bạn biết, Việt Nam đang đóng quân trên 9 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi chúng tôi chỉ kè lại chung quanh để không bị xói lở, vì sóng đánh chỗ này lại bồi chỗ kia. Vì vậy, chúng tôi kè kín lại để đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng quân trên đảo có cuộc sống an toàn. Các đảo chìm chúng tôi chỉ xây những nhà rất nhỏ, ở được rất ít người và không mở rộng ra. Tính chất, quy mô của chúng tôi hoàn toàn là vấn đề dân sự.

Bộ trưởng Ashton Carter: Sáng nay, trong hội đàm, chúng tôi có trao đổi về đề xuất của Mỹ với các quốc gia đang có tranh chấp trong khu vực là dừng ngay việc bồi đắp cũng như tôn tạo các đảo. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã giải thích rất rõ ràng cho tôi biết công việc của người Việt Nam và đề cập COC. Tôi cho rằng, bộ quy tắc này được Mỹ ủng hộ vì đây là một diễn đàn đa quốc gia có tính hòa bình.

Trung Quốc đã đưa vũ khí ra biển Đông. Nếu xung đột xảy ra, Mỹ sẽ làm gì?

Bộ trưởng Ashton Carter: Cho tôi nhắc lại những lời tôi đã nói tại Honolulu một tuần trước và tại Shangri-La ngày 30/5. Đó là Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực cũng như làm gia tăng căng thẳng, quân sự hóa các tranh chấp đang diễn ra ở khu vực. Mỹ là nước không có tranh chấp về mặt lãnh thổ tại khu vực.

Tuy nhiên, chúng tôi có những mối quan tâm cũng như lợi ích liên quan khu vực này. Những quan tâm, lợi ích đó liên quan tự do hàng hải, tự do lưu thông và tự do thương mại. Quan điểm của chúng tôi là không có hoạt động nào của bất kỳ quốc gia nào đang có tranh chấp lãnh thổ có thể làm thay đổi hoạt động của Mỹ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở những nơi luật pháp và quy định quốc tế cho phép, như chúng tôi đã làm trong nhiều năm qua. Và chúng tôi cũng đề nghị các quốc gia trong khu vực cân nhắc đề xuất của chúng tôi liên quan việc dừng ngay và vĩnh viễn tất cả công việc liên quan bồi đắp, cải tạo đất, vì mối quan tâm của chúng tôi là làm sao khu vực này có được hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, tự do lưu thông, tự do trên biển để tạo điều kiện cho thương mại phát triển, để các quốc gia trong khu vực, trong đó có cả Mỹ có điều kiện vươn lên và phát triển thịnh vượng.