Theo ông Kendall, trước hết phải xác định “mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được” với vũ khí siêu thanh, sau đó xác định “cách hiệu quả nhất về chi phí" để thực hiện các mục tiêu đó, theo AP.
Tại buổi nói chuyện với các phóng viên bên lề Hội nghị Hàng không - Vũ trụ và Không gian mạng do Hiệp hội Không quân Mỹ tổ chức ngày 21/9, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall thừa nhận: "Vẫn còn một dấu hỏi lớn về vũ khí siêu thanh Mỹ".
Không quân Mỹ đã nhiều lần thất bại trong việc thử nghiệm vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183. Các cuộc thử nghiệm được thực hiện trên máy bay ném bom B-52.
ARRW AGM-183A là một trong những dự án trọng điểm được Mỹ phát triển dành cho không quân nước này, nhằm thu hẹp khoảng cách với Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh.
Với tốc độ vượt trội và khả năng hoạt động cao hơn các vũ khí tấn công thông thường, vũ khí siêu thanh có thể dễ dàng xuyên thủng lưới phòng không đa tầng của các cường quốc quân sự thế giới.
Giới chức Mỹ hy vọng có thể sở hữu vũ khí siêu thanh ngay trong thập kỷ này.
Ngoài ra, không quân Mỹ cũng đang tập trung hoàn thiện tên lửa hành trình siêu thanh Hypersonic được phóng từ máy bay chiến đấu.
Nga dẫn đầu thế giới về vũ khí siêu thanh
"Trong nhiều năm, chúng tôi đã nỗ lực để có thể bắt kịp những tiến bộ trong phát triển vũ khí của các quốc gia phương Tây. Và lần đầu tiên trong nhiều thập niên, chúng tôi đã vượt lên dẫn đầu trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí siêu thanh", Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov nói với các phóng viên tại Diễn đàn Dầu khí Tyumen, ngày 15/9.
Theo ông Borisov, Nga cũng đi trước phương Tây trong việc chế tạo vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới, điều này giúp Nga có thể phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân nhỏ gọn.
Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi tiếp tục cố gắng để duy trì những lợi thế này".