Theo ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng), đất dùng cho sân golf là vấn đề đáng quan tâm, xem xét. Giai đoạn 2006-2008, Quốc hội có ý kiến rất gay gắt, Chính phủ đã có kế hoạch và theo Quyết định 1946 đến năm 2020 chúng ta qui hoạch chỉ còn khoảng 90 sân golf. Nhưng sau đó, đến 8-2011. Chính phủ lại cho bổ sung thêm 28 sân nữa, tốn thêm 6.000 ha đất nông nghiệp.
Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), là một nước nông nghiệp thì quỹ đất cho sân golf chiếm 15,6 ngàn ha cũng là lãng phí. "Đáng lưu ý, có một số dự án trong đó sân golf chỉ chiếm 1/3 diện tích quy hoạch, còn lại dùng để xây biệt thự cao cấp và các dịch vụ khác. Như thế là chúng ta thực hiện các dự án này chưa đúng bản chất dự án, thực hiện chưa nghiêm qui hoạch" - ĐB Học nói.
Một số ĐB cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, thực hiện qui hoạch sử dụng đất còn nhiều bất hợp lý: Đất ở đô thị tăng vượt chỉ tiêu cho phép hàng chục ngàn hécta nhưng đất cho giao thông lại quá thấp, đất cho giao thông tĩnh chưa được 1% (tiêu chuẩn của thế giới từ 3-3,5%). Cho nên tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi.
Cũng theo qui hoạch, đến 2010 chúng ta có đến 160 cảng biển, trong đó có 54 cảng lớn là quá nhiều. Ngoài ra có 23 cảng hàng không, tức là cứ 3 tỉnh có 1 cảng hàng không, cũng là quá nhiều! Báo cáo nêu chúng ta có đến 2.523km đường sắt, nhưng thực ra đây không phải thành tích của 10 năm qua, đường sắt được xây dựng cách đây 100 năm rồi.
Trước thực trạng ùn tắc, tai nạn giao thông gia tăng, ĐB đề nghị cần tăng diện tích đất cho giao thông ở các đô thị lớn. Thủ đô Hà Nội 7 quận nội thành với diện tích 83km2 nhưng diện tích đường giao thông chỉ đạt 6,18%, còn vùng Sài Gòn - Chợ Lớn (TPHCM) diện tích đường chỉ là 7,8%, thậm chí có quận mới chỉ đạt 0,2%, đất dành cho giao thông.
"Không thể nào nói đến chuyện cải thiện tình hình giao thông ở Hà Nội, TPHCM trong khi quy định đất cho giao thông phải là 25%"- ĐB Học đánh giá.
Hơn 50% đất khu công nghiệp bỏ hoang
Báo cáo của Chính phủ cho biết, quy hoạch đất KCN hiện là 100.000 ha, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 46%. Số vốn đầu tư còn thấp hơn, chỉ đạt 32% theo đăng ký. Với gần 7.000 dự án đang hoạt động tại các KCN, chỉ tạo ra được khoảng 25% GDP và đóng góp vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 1 tỷ USD. Tương tự, tại 650 cụm CN hơn 28.000ha cũng chỉ lấp đầy chưa tới một nửa diện tích. Trong khi đó, diện tích này sẽ tăng lên 200 nghìn ha vào năm 2020.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc tăng đất cho công nghiệp lên 150 ngàn ha vào năm 2015, lên 200 ngàn ha năm 2020. Bởi hiện các KCN đã quy hoạch mới chỉ đưa vào sử dụng 46%. Cần giải trình rõ 54% còn lại, cái đã quy hoạch xong rồi thì bao giờ lấp đầy, đến 2015 liệu đã đầy chưa?
Theo ĐB, sản lượng CN của TPHCM chiếm 28% cả nước nhưng chỉ mới mới lấp đầy 2.500ha, và quy hoạch đến 2020 cũng chỉ có 5.400 ha. Tính ra sẽ thấy giật mình, để lấp đầy 100.000 ha chúng ta phải có một lượng tiền rất lớn, không thể áng chừng được.
"Nếu lấy đất mà bỏ hoang, nông dân mất đất, CN không thu hút lao động, tác hại xã hội rất lớn. Người ta sẽ lợi dụng chiếm đất, giữ đất, chiếm dự án bỏ hoang. Chúng tôi sẽ không thể yên tâm bấm nút như vậy được" - Ông Lịch phát biểu.
Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), 10 năm qua chúng ta chuyển 270.000 ha đất lúa sang đất đô thị, đất KCN là đất "bờ xôi, ruộng mật". Như vậy là rất lãng phí. Chỉ tính 1/4 diện tích đất này trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục, hoặc thiếu vốn trong 2 năm thì đã làm giảm thu khoảng 5.400 tỷ đồng, chưa kể lãng phí do lao động nông nghiệp không có việc làm. Trước thực trạng đất lúa tiếp tục giảm 308.000 ha (năm 2020 còn 3.812.000 ha), ĐB Tiến đề nghị Chính phủ có kế hoạch sử dụng cụ thể.
Để bảo đảm giữ được 3,8 triệu ha đất lúa ổn định lâu dài, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị cần qui hoạch chi tiết chân ruộng của đất lúa 2 vụ, 3 vụ trên bản đồ một cách rõ ràng, không du di ở địa bàn nào.