PISA & YOLO

TP - Trong bảng điểm PISA – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế năm 2012, học sinh phổ thông Việt Nam được xếp hạng “sao”, trên cả học sinh Mỹ và nhiều nước phát triển, mấy ngày qua đang gây tranh cãi. Một xôn xao “nhẹ” khác, đó là đề thi học kỳ lớp 11 của một trường ở Vũng Tàu mới đây yêu cầu trình bày suy nghĩ về YOLO, tức trào lưu “Đời chỉ sống một lần” trong giới trẻ.

> 'Vượt Mỹ' không có nghĩa là thành công
> Giám đốc PISA nói về học sinh Việt Nam giỏi hơn Anh, Mỹ

YOLO đã được đưa vào từ điển Mỹ Oxford năm 2012 với định nghĩa: “Viết tắt của You Only Live Once, thường được sử dụng như là nhân tố hay sự tán thành về một hành vi bốc đồng hay không chịu trách nhiệm”. Kiểu nói cửa miệng bất cần quen thuộc của giới trẻ “đời mà!”. Còn chương trình PISA quy mô toàn cầu tổ chức 3 năm/lần, nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh lứa tuổi 15, do tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OCED) khởi xướng từ năm 1997.

Kết quả PISA 2012 mà Việt Nam lần đầu tiên tham gia chia các nhà giáo dục và dư luận nước nhà thành hai thái cực: Xoa tay hài lòng dù thấy bất ngờ, và phía kia là phản biện ngược lại. Rằng học sinh nước mình chỉ chuyên học để đi thi, ra đời thì đuối sức; chưa bao giờ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhiều đến thế…

Một thống kê khác cũng trong năm 2012: Báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho hay, năng suất lao động của người Việt Nam thấp hơn năng suất lao động của Singapore 17 lần, thấp hơn Mỹ khoảng 20 lần. Tất nhiên câu chuyện năng suất còn phụ thuộc vào trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, khả năng ứng dụng vào sản xuất, tổ chức quản lý… Nhưng nếu cứ nhìn vào mức chênh lệch (đáng buồn) này như đang nhìn vào thứ hạng (đáng vui) của PISA, thì buộc phải liên tưởng đến triết lý YOLO, để luận một cách thô sơ, rằng: Người mình phải sống và làm việc…20 cuộc đời mới bằng 1 đời người ta!!!

Thêm một số liệu chắc cũng có liên quan, đó là mức độ tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 3 châu Á, tăng trưởng hàng năm tới 15%. Và đang hứa hẹn trở thành “nhà vô địch” tiêu thụ bia Heineken, vượt mặt 170 thị trường còn lại trên thế giới.

Dân tại 4 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, mỗi năm “uống” hết khoảng 8.000 tỷ đồng tiền bia. Đà Nẵng vừa hân hoan báo công đạt 100% chỉ tiêu thu ngân sách năm 2013, trong đó tiền thuế bia đạt 810 tỉ đồng, gấp tới…3 lần năm ngoái! Con số thật ấn tượng của dân mình giữa thời buổi kinh tế khó khăn, khiến những “trùm” bia bọt thế giới cũng phải nể phục.

Bởi vậy, trong lúc nhiều dự án đầu tư lớn của nước ngoài không kiếm ra lao động kỹ thuật cao, thì mọi hãng bia to nhỏ của thế giới vẫn thi nhau nhảy vào, “sống khoẻ”.

Người Việt, sau mười mấy năm học hành thi cử căng thẳng, đa phần ra đời chạy được một chỗ làm là thoả mãn, “xả hơi” đến hết đời, dù chỉ làng nhàng cắp ô đi về. Để rồi trưa chiều nâng ly bia hò hét vui vẻ, lúc nào đó có chạnh lòng tiếc nuối thời gian, chất xám, cũng chỉ tắc lưỡi rất YOLO: “đời mà…!”.

Theo Báo giấy