Chàng họa sỹ Hà Nội mê mẩn “phượt”
Với Thành Thế Vinh (sinh năm 1981) - chàng họa sỹ, giảng viên của Hà thành, những ngày lang thang trên những bản làng Tây Bắc chụp ảnh là niềm đam mê, nuôi dưỡng cảm hứng bất tận.
Từ năm 2003 – 2007, Y Tý (Lào Cai) là mảnh đất có nhiều kỷ niệm nhất với Vinh khi anh sáng tác hàng trăm tác phẩm. Sẵn sự lãng mạn, phiêu bồng nên trong những chuyến đi thực tế đầu tiên của chàng sinh viên trường họa, Vinh nhiều ngày ở cùng với đồng bào ở Y Tý và rất nhiều vùng khác nữa ở miền Bắc để vẽ.
Đến nay, dù bận rộn với công việc của một giảng viên nhưng anh vẫn dành thời gian quay lại đây để thấy những cái mới trong kỷ niệm xưa cũ. Những dịp nghỉ lễ, Tết, một mình anh lại tay xách, nách mang lang thang đến với “chốn xưa, người cũ” để trải nghiệm, để thấy một phần mình trong đó.
“Mùa xuân là sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Trong cảm nhận xuyên suốt của bản thân tôi, mùa xuân giống như một sợi tơ non, mọi thứ đều nhẹ nhàng. Từ tia nắng đến những giọt mưa. Và 4 năm qua, những ngày xuân tôi lại lên đường lên Tây Bắc để dự những lễ hội, đám cưới của người Dao, Hà Nhì.
Những ngày này, họ sẽ tái hiện văn hóa của mình qua các nghi lễ đầu năm, tổ chức ngày Tết cho trẻ em, các trò chơi dân gian, đám cưới… Nét văn hóa đó là nguồn cảm hứng sáng tác cho chính bản thân tôi. Đó cũng là tư liệu (chân dung, nhà cửa, bản làng, nhóm dáng người, sắc phục) về lối sống không có trong sách vở, để tôi chia sẻ với học trò”, Thành Thế Vinh cho hay.
Một trong những kỷ niệm khó quên ở mảnh đất Lào Cai đối với Vinh là mùa xuân năm 2017. Lúc đó, anh được tham dự trọn vẹn đám cưới ròng rã 3 ngày trời của một gia đình người Phù Lá thuộc bản Pạc Tà, xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai).
Nghi lễ mà anh ấn tượng nhất là tục té nước trong đám cưới. Khi nhà trai mang đồ lễ tới thì phía nhà gái sẽ té nước để gửi gắm ước nguyện, chúc cho hai vợ chồng sống bên nhau hạnh phúc, “mưa thuận gió hòa”.
“Lễ cưới đó đối với tôi đẹp như một cuốn phim từ thế giới cổ trang hiện ra giữa cuộc sống đương đại này. Từ sự chào đón của người dân nơi đó với trang phục truyền thống xuyên suốt từ đoàn người ngựa đưa dâu về nhà chồng đến những cảm xúc hân hoan của người dân quanh bản đến tham dự. Đấy là một chuyến đi đáng nhớ với tôi và có lẽ sau này rất khó có thể gặp lại”, Vinh cho hay.
Thành Thế Vinh chia sẻ, một chuyến đi để đời đối với anh nữa là Trường Sa, nơi anh tận mắt thấy Tổ quốc mình từ phía biển. Hình ảnh những người lính mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn nở nụ cười hồn nhiên giữa chốn thiên nhiên khắc nghiệt đến “đất đá cũng phải phai màu” làm anh nhớ mãi. “Những hình ảnh mọi miền của đất nước cứ thôi thúc tôi làm một điều gì đó linh thiêng, xúc động”, anh nói và cho biết, những bức ảnh, bức tranh của anh đã ra đời trong những chuyến “phượt” như thế.
Có những ngày, anh đắm mình vào lễ hội cúng rừng thiêng giữ nguồn nước đầu năm của người Hà Nhì (Y Tý, Lào Cai). Được sự đồng ý của già làng, bỏ giày dép ngoài bìa rừng, anh lẳng lặng tham gia, không được nói một câu nào. Mỗi gia đình cử người đại diện ra làm sạch dòng nước đầu nguồn của làng. Mâm cúng với con gà, chén rượu, kẹp xôi. Trong suy nghĩ của Vinh, đây là phong tục phù hợp với xưa và cả bây giờ bởi vấn đề giữ rừng, giữ nguồn nước luôn cấp thiết trong bảo vệ môi trường sống an toàn.
Có lần anh dành cả một khoảng thời gian sát Tết tham gia vào lễ rước lửa thiêng ở vùng đồng bằng chiêm trũng có tuổi đời cả ngàn năm lịch sử để tưởng nhớ tới tướng quân Ninh Hữu Hưng (người sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm đã được vua Lê Đại Hành cử đi khai hoang, lập ấp ở vùng ven sông Sát, thuộc địa phận xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày nay). Tướng quân Ninh Hữu Hưng được dân làng thờ và tôn là ông tổ nghề mộc tại đình La Xuyên (ngày nay).
Anh đến đây để chứng kiến tục lấy lửa đêm giao thừa, để xông đất, xông nhà cầu cho một năm mới may mắn thuận lợi, nhất là nghề mộc được tinh thông, phát đạt. Lúc ấy, mọi con ngõ, ngách trong làng đều bừng sáng với ánh đuốc lửa cùng những bước chân, tiếng cười rộn ràng với lời chúc năm mới của người dân dành cho nhau.
Những chuyến xê dịch đầu năm của “kẻ” mang “nỗi đau rác thải”
Nguyễn Việt Hùng (biệt danh là Lekima Hùng, sinh năm 1977) là nhiếp ảnh gia - Giám đốc Học viện Nhiếp ảnh ánh sáng tại Hà Nội. Với niềm đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ, lớn lên nghiệp chụp ảnh ăn vào máu, thấm vào tâm can, anh trở thành nhiếp ảnh gia đầu tiên thực hiện hành trình xuyên Việt kéo dài 43 ngày đêm, chụp hàng nghìn bức ảnh về thực trạng kinh hoàng của rác thải nhựa dọc đường bờ biển Việt Nam.
“Tất cả chúng ta đều có một cuộc sống bận rộn và lối sống bị giới hạn bởi căng thẳng và áp lực. Một vùng đất mới, cho phép chúng ta trải nghiệm sự bình yên trong lòng thiên nhiên. Hay những khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống náo nhiệt chốn đô thị, muốn nạp thêm năng lượng cho một năm mới với bao hy vọng thì các chuyến du xuân là rất cần thiết. Cảm giác hít thở giao mùa trong không khí vùng cao, giữa hoa đào, hoa mận và bao loài hoa nở rộ đẹp mê mải, hòa mình cùng người dân với áo quần đẹp tung tăng đón Tết sẽ vô cùng ấn tượng”, Lekima Hùng kể.
Lúc đó là vào sáng Mùng 2 Tết, anh xách balo ra khỏi nhà với chút lo lắng, hồi hộp khi thay đổi tư duy “ăn Tết” sang “chơi Tết”. Nhưng khi đi, anh đã có được cảm giác lắng đọng và tiếp cho bản thân anh nguồn năng lượng đầu năm mới.
“Cách đây gần 10 năm, trong một chuyến du xuân ở một bản người Mông, tôi được người dân bản địa mời ăn một chiếc bánh dày. Miếng bánh trên tay cứng đơ, lạnh ngắt. Họ chỉ tôi cách rán lên, ăn vào miệng quả là tuyệt vời. Miếng bánh ấy có lẽ là món ẩm thực mà tôi không thể nào quên trong đời”, Lekima Hùng kể và cho biết, trải nghiệm ẩm thực, khám phá văn hóa cũng chính là được sống, là đích đến của mỗi người.
“Điểm đến không phải là thứ để sưu tầm, thế nhưng có thể chinh phục được những điểm đến đáng nhớ, những cột mốc… cũng rất đáng tự hào.Trong cuộc sống tấp nập, nhất là những đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, con người sẽ có những khoảng trống, “phượt xuân” là cách để bù lại những trống khuyết đó”, Lekima Hùng chia sẻ
Với Hùng, đôi khi, đến một vùng đất mới sẽ mở ra cách nhìn mới cho chính bản thân mình.Anh đến đất nước Bhutan để cảm nhận được những người có thể mang “tâm tùy duyên” mà đối đãi với sự đời lại chính là người có thể sống bình an nhất. Đấy là lấy chân thành đối đãi với nhau, hành xử lấy thiện lương làm gốc. Hay lần đến Ladakh (Ấn Độ), anh cảm nhận sâu hơn về nụ cười. Trong buổi sáng sớm gặp bất kỳ ai trên đường, tất cả đều cất tiếng chào nhau, gửi cho nhau từng nụ cười, lời chúc may mắn.
Theo Hùng, việc mở lòng với những trải nghiệm mới là cách hiệu quả để kiểm soát chứng trầm cảm, phục hồi năng lượng và tìm lại sức mạnh để nhìn về phía trước với sự lạc quan. Trong số đó, đi du lịch được xem như một cách hiệu quả để vượt qua khó khăn mình gặp phải. “Hãy tin một điều” thiên nhiên không phải là nơi ta đến thăm mà là nơi ta trở về”.
Không chỉ thế, đi du lịch là một trong những cách tốt nhất để tăng cường sự phát triển cá nhân. Đi du lịch tức là con người bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đến một môi trường khác, điều này mang đến điều mới mẻ, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu và giá trị của mình” – Hùng nói.
Lekima Hùng cho hay, anh đã đến nơi đặc biệt nhất của Tổ quốc, bao gồm Đảo Tiên Nữ - nơi đón ánh bình minh đầu tiên của dải đất hình chữ S hay 4 cực (Đông Tây Nam Bắc) trên đất liền và đỉnh cao nhất nước (đỉnh Fanxipan). Nhưng lần đi xe máy xuyên Việt, chụp rác thải nhựa suốt 3000km dọc bờ biển Việt Nam khiến anh nhớ nhất. Anh đi bộ mấy cây số trên bãi cát mà lòng rưng rưng xúc động, sung sướng và tự hào quên cả mưa và lạnh giá.
“Khi đó, không thể kiềm chế được cảm xúc, tôi đã hét thật to, tiếng hét vang vọng giữa mênh mông đất trời Tổ quốc”, Hùng kể. Anh nhắn nhủ, khi còn trẻ, có sức khỏe và nhiệt huyết, bạn trẻ hãy dám làm những điều mình mong muốn, biến những điều tưởng chỉ là giấc mơ trở thành hiện thực.“Hạnh phúc đôi khi không phải là đích chúng ta đến mà ở trên con đường chúng ta đi” – anh triết lý.
Đưa cả gia đình nếm mùi “sóng gió” đầu năm
Tạ Nam Long, sinh ra trong một gia đình ở Hà Nội có truyền thống theo nghề y. Long từng là Thủ khoa ngành Y học cổ truyền (Đại học Y Hà Nội). Ra trường, Long lại làm việc trong lĩnh vực công nghệ và dành toàn bộ đam mê cho thám hiểm hang động. Với khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, Long tự đọc tài liệu trên internet, kết nối với các hội thám hiểm hang động của quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng.
Sau gần 10 năm thám hiểm, bước chân của Tạ Nam Long đã in dấu tại nhiều hang động từ địa đầu tổ quốc là Lũng Cú (Hà Giang) cho đến đất mũi Cà Mau. Cho đến nay, Long đã chinh phục thành công 30 hang động lớn và bí hiểm của Việt Nam, trong đó nhiều hang ít người có khả năng đặt chân đến nhất như hang Dốc Nán, hang Địa Ngục, hang Ong…Kho tư liệu quý có được là hàng ngàn bức ảnh, hàng trăm video ấn tượng ghi lại trong lòng hang mà kể cả những nhà quay phim, chụp ảnh chuyên nghiệp cũng không có cơ hội thực hiện.
Chính bởi học ngành y, Long đã rèn luyện sức khỏe như một vận động viên bơi để có thể băng qua những hồ nước trong cái lạnh cắt da hoặc đi xuyên qua thác nước chảy xiết để tới được tận cùng lòng hang. Long có thể tự sơ cứu vết thương cho mình và đồng đội khi gặp tai nạn rủi ro trên đường.
Từ 10 năm trước, Long đã đi “phượt”. Đối với anh, “phượt” để trải nghiệm những cảm xúc trên mỗi cung đường, để ăn những món ngon mỗi vùng miền, để biết thêm về văn hóa của các dân tộc anh em. Hay đơn giản, là được đặt chân lên những nơi đầy gió bụi không bao giờ có trong những tua du lịch hiện đại.
Những ngày đầu gắn với “phượt”, Long đã sắm cho mình một chiếc ôtô với mong muốn thỉnh thoảng đưa bố mẹ về quê tảo mộ cho đỡ vất vả.
“Sau một vài chuyến đi quanh đồng bằng cho quen với xe mới, tôi rủ bố mẹ đi “phượt” Tây Bắc. Nói và làm, gia đình Long khởi hành từ Hà Nội ngược lên các tỉnh phía Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang...
Trong chuyến đi hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, lần đầu tiên trong đời cả gia đình tôi thấy cảnh rực rỡ của hoa đào, hoa mận vùng địa đầu Tổ quốc những ngày xuân. Đây cũng là lần đầu tiên những “cư dân thành thị” chúng tôi được đi chợ phiên vùng cao, được ăn bát “thắng cố” nóng hổi, được uống chén rượu ngô êm say... Sau chuyến đi đó, gia đình tôi chụp được hơn 3.000 kiểu ảnh và thêm rất nhiều kỷ niệm với mảnh đất địa đầu đất nước”, Long kể lại.
Như thành nếp quen, năm nào cũng vậy, trước Tết gia đình Long và bố mẹ anh lại đi Tây Bắc mua hoa đào, cùng với những thùng quần áo cũ mang tặng bà con dọc đường.
“Đi dịp trước Tết để mua hoa, xem bà con chuẩn bị Tết thế nào? Nếu hoa năm nay rẻ hơn năm ngoái, có nghĩa là năm nay kinh tế buồn. Sau Tết nhà tôi “phượt” đến các lễ hội xuân. Ở đó là những nét văn hóa của mỗi vùng, của mỗi dân tộc. Chúng tôi đi để được hòa mình vào không khí đón xuân, chơi những trò chơi, xem những nghi lễ đầu xuân chỉ có một lần trong năm...”, Long chia sẻ.
Long kể về lần “phượt xuân” đáng nhớ nhất của gia đình. Đó là năm 2013, anh rủ bố mẹ đi “xuyên Việt”.
“Khởi hành từ mùng 3 Tết, sau 3 ngày chúng tôi tới hải đăng Đại Lãnh - cực Đông của Tổ quốc đúng lúc trời tối mịt. Cả nhà quyết định nghỉ đêm trên hải đăng. Đêm đó biển động, gió biển gào thét như sắp xô đổ ngọn hải đăng, bố tôi xưa đi bộ đội vào sinh ra tử mà vẫn lộ rõ vẻ lo lắng. Mẹ tôi nằm yên, mắt nhắm nghiền…Hôm sau, trời quang mây tạnh, tôi bị trách là đầu năm đã cho gia đình nếm mùi “sóng gió”, Long nhớ lại và kể tiếp đầy vẻ tự hào: “Trong gần 10 năm “phượt”, tôi đã đưa bố mẹ tôi tới gần hết những nơi như thế. Mỗi khi đặt chân đến những nơi thiêng liêng của Tổ quốc, gương mặt mẹ tôi bồi hồi, xúc động pha lẫn chút tiếc nuối của một cô giáo dạy Văn-Sử.
Cả đời mẹ dạy học sinh về những danh lam thắng cảnh của đất nước nhưng đến lúc nghỉ hưu mới có dịp lần đầu được đặt chân đến những nơi mà mình chỉ biết qua… sách giáo khoa. Còn bố tôi thường suy tư, phóng tầm mắt ra xa rồi thốt lên rằng “các tiền nhân khi xưa thật giỏi”.
Theo Long, những người trẻ có nhiều thời gian để đi và nên đi. “Nhiều khi, những chuyến đi là những điều thú vị, những câu chuyển hay để kể mỗi khi quây quần với bạn bè, người thân. Đơn giản vậy thôi”, Long chia sẻ.