Trên lưu vực sông Đà hiện có hàng chục thủy điện lớn nhỏ, không chỉ thắp sáng núi rừng Tây Bắc mà còn hòa vào dòng điện quốc gia. Trong đó, những nhà máy thủy điện lớn và cực lớn là Hòa Bình (1.920 MW), Sơn La (2.400 MW) đã nhiều năm đi vào hoạt động. Riêng nhà máy thủy điện Lai Châu, công suất 1.200 MW, vừa chính thức phát điện trong những ngày cuối cùng của năm 2016.
Lấp loáng, mơ màng
Một ngày nắng dịu nhẹ, tôi men theo triền sông ngay trên phía đập tràn thủy điện Sơn La để bước xuống con tàu sắt và bắt đầu hành trình khám phá ngược dòng nước sông Đà. Từ ngày các con đập thủy điện ra đời và tích nước, sông Đà trở nên hiền hòa, mặt nước phẳng lặng, khi phản chiếu ánh mặt trời loang loáng, lúc lảng bảng khói sương mơ màng.
Từng được ngắm sông Đà qua cửa sổ máy bay, hoặc băng qua sông trên những cây cầu lừng lững và lượn theo nhiều đoạn dọc bờ sông bằng đường bộ cheo leo, nhưng phải đến khi đằm mình giữa dòng nước, tôi mới cảm nhận được sự kỳ vĩ và huyền bí của sông Đà - dòng sông mẹ của các con sông Tây Bắc.
Với chiều dài trên 1.000km, sông Đà lách qua khe hẹp giữa hai dãy Phu Mù Su cao 1.609m và ngọn Ka Lăng cao 1.799m, tuôn chảy vào địa phận Việt Nam trong địa máng hẹp cực kỳ hiểm trở. Hai bên sông là những sườn núi cao, dốc dựng đứng. Dưới chân núi, đoạn tiếp giáp mặt sông in hằn một dải ngấn nước. “Mùa mưa lũ nước dâng cao ở mức trên cùng của ngấn nước và thấp dần vào mùa khô. Khoảng cách giữa mực nước cao nhất và thấp nhất khoảng trên chục mét, và đó cũng là độ cao của dải ngấn nước”- người lái tàu giải thích.
Những đồi đất nửa nổi nửa chìm giữa lòng sông Đà như gợi tới nét đẹp của người thiếu nữ
Đoạn sông từ đập thủy điện Sơn La đến đập thủy điện Lai Châu dài khoảng 180 km. Hai bên bờ có nhiều làng mạc của đồng bào Thái, phần lớn là mới tái định cư khi giải phóng lòng hồ thủy điện. Người Thái có tập quán sinh sống và sản xuất gắn với ruộng đồng và sông nước nên có rất nhiều bến sông, những bè mảng, lồng bè nuôi cá hay những con thuyền chài lưới... Tất cả những âm thanh cuộc sống thường nhật vọng vào vách núi, ngân nga. Ở vài khúc sông, nơi địa hình thoai thoải, mặt nước rộng mênh mông với khói sương mơ màng khiến lòng sông như chốn bồng lai tiên cảnh. Những ngọn đồi nửa chìm nửa nổi trên mặt nước, trông như các cô gái độ xuân thì đang khỏa mình phơi lộ sức sống căng tràn thách thức ranh giới giữa trời và đất.
Ủ men trong lồng ngực
Đêm trước khi khám phá dòng sông, tôi may mắn được các cô gái Thái bản Tông ở lưu vực sông Đà (thuộc địa phận Sơn La) mời rượu ngay trong ngôi nhà sàn. Cách thức mời rượu của các sơn nữ nơi này không giống bất kỳ nơi nào tôi từng được biết, và có thể khiến bất cứ vị khách nào dù khó tính nhất cũng phải xiêu lòng.
Theo thói quen sinh hoạt của người Thái, rượu và thức ăn được bày trên chiếc bàn thấp và mọi người đều nồi bệt trên sàn để thưởng thức. Trước khi mời rượu, cô gái quỳ cao gối trước mặt khách và hướng dẫn khách chuyển bộ cùng tư thế sao cho mặt đối mặt. Rượu rót tràn đầy. Đôi tay trắng nõn cung kính nâng chén ngang mày, người khẽ cúi về phía trước. Sau lời mời, thay vì đưa chén rượu về môi, cô gái choàng tay qua cổ khách, níu thân trên của khách áp chặt vào phía mình, rồi cạn chén. Khách cũng theo lệ, vòng tay qua cổ cô gái và thưởng rượu trong tâm trạng lâng lâng chen lẫn ngỡ ngàng.
Thiếu nữ Thái bản Tông.
Một “thủ tục” thường không thể thiếu sau mỗi lần cạn chén, trước khi khách và chủ rời nhau, là cả hai bên má khách và chủ phải lần lượt chạm nhau. Má kề má, nhưng trong lòng khách - gã trai tôi, dâng tràn cảm xúc thanh khiết lạ thường. Đó là điều kỳ diệu. Sự thanh khiết được bắt đầu không phải từ khách, mà từ chính các sơn nữ mời rượu, nó lan tỏa và mạnh mẽ đến mức đủ sức phá tan mọi “âm mưu” lạm sắc dung tục có thể có ở một gã trai nào đó trong hoàn cảnh này. Tôi chưa từng bắt gặp cách mời và thưởng rượu nào tuyệt vời hơn thế. Không cầu kỳ nhưng kỳ thấu sự tinh tế và đắm say.
Chén cứ nâng, tay cứ vòng nồng ấm trong không gian mọng sương. Rồi đêm cũng sâu, rượu cũng vơi, môi cũng mềm. Khách ra về trong chếnh choáng hơi men với một cảm giác mông lung: Dường như, với các cô gái Thái bên triền sông Đà, men say được ủ trong lồng ngực.
Vũ điệu của tóc
Em là cô gái Thái
Lấy chồng phải tẳng cẩu
Anh có tin không?
Hoa, cô gái Thái ở bản Tông, người mở vòng tay mời rượu tôi, bỗng ném ra câu hỏi như thơ. Tẳng cẩu, một phong tục của người Thái. Hiểu nôm na là quấn tóc thành búi cao trên đỉnh đầu, và chỉ phụ nữ đã lập gia đình mới làm điều đó.
Lướt qua màn khói sương bảng lảng, con tàu đưa tôi tiến đến đoạn sông đổ tràn nắng. Ánh nắng ban chiều yếu ớt. Bên hữu ngạn hiện ra một ngôi đền giữa lưng chừng đồi và những bậc thang dẫn từ ngôi đền xuống bờ sông. Hiểu được sự tò mò của khách, người lái tàu giải thích, đó là nơi tổ chức lễ gội đầu (Lúng ta) của phụ nữ Thái. Ngôi đền thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai, mới được xây dựng sau khi tái định cư lòng hồ thủy điện Sơn La.
Cư dân sinh sống ven sông Đà khai thác thủy sản.
Ông La Văn Thêu, ở bản tái định cư Chẩu Quân, thị trấn Phiêng Lanh (Quỳnh Nhai) giải thích, theo phong tục của người Thái, Lúng ta được tổ chức vào chiều 30 Tết. Lễ hội được bắt nguồn từ một truyền thuyết về nàng Han. Nàng Han là con gái của một tộc trưởng, đóng giả trai tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khi đuổi đến bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch. Nàng Han liền lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay người Thái vùng thượng nguồn sông Đà ở Tây Bắc vẫn lưu giữ phong tục này. Nghi lễ Lúng ta chỉ được tiến hành duy nhất một lần trong năm vào trưa 30 Tết, với ý nghĩa gột rửa những điều không tốt đẹp trong năm qua, cầu mong những điều may mắn, viên mãn cho năm mới.
Có lẽ vì vậy mà với phụ nữ Thái, việc gội đầu trong lễ Lúng ta như là cách thực hành một nghi thức tín ngưỡng. Người phụ nữ Thái nuôi tóc từ bé và chăm sóc tóc theo một cách rất riêng nên đến tuổi trưởng thành, ai cũng có mái tóc dài, đen, dày và óng mượt. Mỗi khi gội đầu, tóc được bung ra, chảy dài theo suối.
Việc gội đầu của phụ nữ Thái, về động tác, tựa như những vũ điệu - vũ điệu của tóc, đầy quyến rũ. Cao trào của vũ điệu là động tác cúi gập người về trước, để tóc ngập sâu trong nước rồi bất chợt bật người, hất tóc về phía sau tạo thành vệt cuộn tròn với màu đen của tóc và muôn hạt nước nhỏ to như thủy tinh, lấp lánh.
Trên suốt hành trình khám phá lòng sông Đà, lời của Hoa cứ nhảy nhót trong tâm trí tôi: Em là cô gái Thái/ Lấy chồng phải tẳng cẩu/Anh có tin không?
Rượu rót tràn đầy. Đôi tay trắng nõn cung kính nâng chén ngang mày, người khẽ cúi về phía trước. Sau lời mời, thay vì đưa chén rượu về môi, cô gái choàng tay qua cổ khách, níu thân trên của khách áp chặt vào phía mình, rồi cạn chén. Khách cũng theo lệ, vòng tay qua cổ cô gái và thưởng rượu trong tâm trạng lâng lâng chen lẫn ngỡ ngàng.