TS. Lê Thị Phương là 1 trong 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học - Sáng tạo.
Đi để trở về
TS.Lê Thị Phương (Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo đuổi nghiên cứu khoa học từ khi là sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cách đây 15 năm. Chị kể, những thuật ngữ mới như công nghệ nano, công nghệ tái tạo mô hay tế bào gốc, chuyển đổi gene... đã cuốn hút, thôi thúc chị vào làm việc tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng. Tại đây, chị đã bén duyên với vật liệu y sinh và có cơ hội sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh.
Đến nay TS. Lê Thị Phương, Quả Cầu Vàng năm 2022, đã có hơn 10 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới, có 2 bằng sáng chế quốc tế tại Mỹ và 3 bằng sáng chế quốc gia. Nhưng với chị, những kết quả này "chưa phải là điểm cuối, mới chỉ là khởi đầu, là nền tảng cho các nghiên cứu sau này".
Gần chục năm ở Hàn Quốc, mỗi lần gặp áp lực hay rào cản, chị chỉ biết tự động viên mình vượt qua để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và kiên định với con đường đã lựa chọn. Cứ sau mỗi nghiên cứu, chị lại có thêm góc nhìn rộng hơn về lĩnh vực đang theo đuổi. "Những thành tựu nhỏ bước đầu đạt được trên đất Hàn Quốc giúp tôi tự tin hơn vào bản thân, giải tỏa được lo lắng những ngày đầu làm khoa học, bởi có lúc băn khoăn liệu mình chọn con đường này có đúng...", TS. Phương chia sẻ.
Khi sự nghiệp nghiên cứu ở Hàn Quốc đang phát triển, bất ngờ TS. Lê Thị Phương quyết định về nước để vừa nghiên cứu và vừa giảng dạy, truyền đạt đam mê khoa học cho sinh viên. "Về nước làm việc, tôi có kế hoạch tiếp xúc nhiều hơn, hướng dẫn sâu hơn cho các bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học. Khi làm việc với các bạn sinh viên, tôi thấy mình được trẻ ra, có thêm nhiều động lực trên hành trình làm khoa học", TS. Phương cho biết.
Không dừng lại trên lý thuyết hay những bằng sáng chế
Trên hành trình nghiên cứu vật liệu y sinh, TS.Lê Thị Phương đã kiên trì tìm ra hướng đi mới. Chị đã nghiên cứu ra hydrogel tiêm tại chỗ mới hiệu quả hơn trong việc cầm máu, chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân. Đặc biệt, chị đã cải tiến thêm nhiều thành phần giúp vật liệu tạo thành hydrogel tiêm tại chỗ mới có tính tương hợp sinh học cao, khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo.
TS.Phương còn thành công trong việc phát triển phương pháp mới sửa đổi tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch (như stent, ống ghép mạch máu, ống thông) có chức năng kép bằng cách kết hợp tác dụng trị của haparin và nitric oxide. Phương pháp này không chỉ làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu, tăng tỉ lệ thành công của ca cấy ghép, mà còn thêm ưu điểm phản ứng nhanh, đơn giản.
"Nguồn dược liệu Việt Nam có tác dụng chữa lành vết thương rất phong phú, nhưng vẫn chỉ thường được sử dụng theo những bài thuốc cổ phương, gia truyền. Do đó, hướng nghiên cứu của tôi có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam, giúp tận dụng các nguồn dược liệu sẵn có, kết hợp với các đặc điểm ưu việt của hệ hydrogel, để tạo ra được sản phẩm thương mại giúp chữa lành vết thương nhanh, hiệu quả", chị nói.
TS.Phương cho rằng, nghiên cứu chỉ dừng lại trên lý thuyết hay những bằng sáng chế mà không phục vụ con người, cộng đồng thì chưa hoàn thành sứ mệnh.