Tại phiên tòa có 34 luật sư tham gia bào chữa. Trong đó, có 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo,10 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn dân sự, 6 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Sau phần làm thủ tục, các luật sư tham dự phiên tòa đã có nhiều đề nghị đến HĐXX phúc thẩm, trong đó đề nghị được mang máy tính vào phiên tòa để có điều kiện đưa ra các dẫn chứng, bút lục phục vụ cho quá trình tranh tụng. Theo các luật sư, nhiều tài liệu có liên đến vụ án được lưu trong máy tính.
Các bị cáo khác tại phiên tòa trong vụ Huyền Như. Ảnh Việt Văn.
Luật sư Trương Xuân Tám, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) thẳng thắn cho rằng, giấy giữ đồ mà lực lượng an ninh, nhân viên tòa phúc thẩm TAND Tối cao giao cho các luật sư không phải là hợp đồng gửi giữ tài sản, nếu xảy ra mất thì ai chịu? Ngoài ra, một số luật sư tham gia phiên tòa cũng đề nghị HĐXX triệu tập thêm một số người có liên quan.
Luật sư Lưu Văn Tám, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Á Châu (ACB) đề nghị triệu tập 7 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB đến tòa gồm: Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ.
Vị luật sư này cũng đề nghị triệu tập thêm những cá nhân liên quan ở Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) gồm: Nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng, Nguyễn Văn Sẽ, Nguyễn Minh Hương, Trương Minh Hoàng. Ngoài ra, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền và lợi ích cho Ngân hàng TMCP Á Châu đề nghị triệu tập thêm nhân viên công nghệ thông tin, các kế toán trưởng của Vietinbank.
Bà Nguyễn Thị Lang - mẹ Huyền Như tham dự phiên tòa phúc thẩm với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ảnh Việt Văn.
Dự kiến trong buổi chiều nay (15/12), HĐXX phúc thẩm sẽ đọc bản án sơ thẩm, cáo trạng của vụ án “siêu lừa” Huyền Như và các đồng phạm. Đồng thời sẽ xem xét những đề nghị của các luật sư.
Theo HĐXX phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Quảng Đức Tuyên và hai thẩm phán là Phan Thanh Tùng, Mai Thị Tú Oanh, thẩm phán dự khuyết là Đặng Văn Thành. Đại diện VKS giữ quyền công tố là ông Nguyễn Thế Thành và Nguyễn Văn Tùng.
Đây là vụ án lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay, nhiều vấn đề tranh cãi pháp lý về tội danh và trách nhiệm dân sự sẽ được đưa ra xét xử tại phiên tòa này. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ kéo dài trong 17 ngày (từ 15/12 đến 31/12). Tại phiên tòa có 20 bị cáo, 11 nguyên đơn dân sự, bị hại và 28 cá nhân đơn vị là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Có 34 luật sư tham gia phiên tòa và đưa ra nhiều kiến nghị cho HĐXX phúc thẩm. Ảnh Việt Văn.
Huyền Như không xin giảm án hình phạt, mà có đơn kháng cáo xin được giải tỏa kê biên và trả lại cho mẹ của mình căn biệt thự thuộc khu Bắc Trà My (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trị giá gần 43 tỉ đồng.
Trong phiên tòa sáng nay, bà Nguyễn Thị Lang (SN 1950, mẹ Huyền Như) cũng tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.