+ Xuất phát từ kiểm toán thời gian qua về lĩnh vực đất đai, Kiểm toán Nhà nước đề xuất chính sách gì cho việc sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới, thưa ông?
- Lĩnh vực đất đai vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không lường hết được các tình huống xảy ra trong thực tế. Từ những vụ án, sai phạm vừa qua chúng ta mới thấy trách nhiệm của tất cả các khâu. Tôi tâm đắc với ý kiến của các chuyên gia khi cho rằng, trong quản lý đất đai, phải có sự đánh giá ở cả hai mặt: cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi.
Trong quá trình kiểm toán, kết quả cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế, bất cập xảy ra trong thực tế đều đến từ cả hai khâu. Đặc biệt trong đó, khâu vướng mắc về việc hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước vẫn là chính. Từ đó các cơ quan thực thi, doanh nghiệp, người có quyền sử dụng đất mới lợi dụng kẽ hở.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các dự án xây dựng bệnh viện…
Năm 2017, chúng tôi đã tiến hành kiểm toán chuyên đề rất rộng. Các ý kiến kiến nghị đã được gửi tới Bộ TN&MT, Chính phủ và Quốc hội. Chắc chắn tới đây sẽ sửa lại cách tính thu tiền sử dụng đất. Còn theo cách tính như hiện nay, chúng ta đã thấy nhiều bất cập, các địa phương, bộ, ngành cũng đều thấy bất cập đó.
+ Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn sớm những sai phạm, Kiểm toán Nhà nước cần phải vào cuộc ngay từ đầu, đặc biệt trong việc thực hiện các dự án về giao thông, xây dựng?
- Trước tiên, Luật Kiểm toán Nhà nước quy định kiểm toán tài chính công, tài sản công. Đất đai được xác định là tài sản công, tuy nhiên quá trình giao cho bộ nào chủ trì, phối hợp trong xây dựng các quy định pháp luật về đất đai thì đã có quy định rất rõ. Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo nhiệm vụ, được Tổng Kiểm toán quyết định trên cơ sở tham gia ý kiến, lựa chọn vấn đề cần thiết để đưa vào kế hoạch kiểm toán hằng năm.
Do vậy, cần căn cứ vào tình hình cụ thể để chúng tôi thực hiện kiểm toán, có thể dự án đó đang trong quá trình triển khai, hoặc kết thúc dự án mới kiểm toán. Không nhất thiết dự án nào cũng phải kiểm toán trước, hoặc trong quá trình triển khai.
+ Thế còn việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán thì sao?
- Kiểm toán Nhà nước đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể, còn việc xử lý ra sao sẽ do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Chúng tôi không có thẩm quyền xử lý người này bị khiển trách, hay người kia thì phải bị cảnh cáo. Trên cơ sở đưa ra các phân tích, rồi đưa ra các kiến nghị, đề xuất, xem hồ sơ này thiếu cái gì, thuộc sở nào, ngành nào. Chẳng hạn như, dự án này khi thay đổi quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tăng tầng, tăng diện tích sử dụng đất nhưng chưa tính lại tiền sử dụng đất, thì cơ quan thuế, môi trường, tài chính sẽ căn cứ vào đó để tính toán lại.
+ Trong lĩnh vực đất đai, có ý kiến đề xuất cần tập trung kiểm toán về quy hoạch và quản lý vỉa hè ở các thành phố lớn, ông thấy sao về đề xuất này?
- Chắc chắn trong kế hoạch 2023, Kiểm toán Nhà nước đã đưa vào những nội dung quan trọng đó. Tất nhiên, bây giờ xã hội đang có rất nhiều vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, chứ không riêng gì lĩnh vực đất đai. Nhưng chúng tôi cũng sẽ lựa chọn chủ đề ưu tiên nhất, phù hợp với năng lực, sở trường cũng như trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, để từ đó đưa ra ý kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ và HĐND các địa phương. Đặc biệt trong năm tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm toán quyết toán ngân sách, phục vụ cho HĐND, Quốc hội, cái đó là ưu tiên đầu tiên.
Cụ thể, trọng tâm kiểm toán nhà nước năm 2023 sẽ ưu tiên kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”; “Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022”…
Cảm ơn ông.