Văn phòng Chính phủ có công văn 985/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc xử lý thông tin báo Tiền Phong nêu.
Cụ thể, báo Tiền Phong ngày 2/2/2023 có bài phản ánh: “Đường cao tốc chỉ có 2 làn xe: Làm nhỏ vì nhu cầu chưa cao?”. Bài báo đề cập thực tế một số tuyến đường bộ cao tốc đã và sắp đưa vào khai thác có nhiều đoạn chỉ 1-2 làn xe chạy mỗi chiều, tốc độ khai thác tối đa 80 km/h (thấp hơn nhiều so với tốc độ quy định tại đoạn trên Quốc lộ 1A hiện hữu). Điều này khiến nhiều người bày tỏ băn khoăn về bản chất đường cao tốc, tốc độ lưu thông của phương tiện chậm, thiếu an toàn vì không có làn khẩn cấp trên toàn tuyến.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu phản ánh trên để xử lý theo quy định; đề xuất, báo cáo Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền.
Ở một chỉ đạo khác, sau khi kết thúc chuyến đi kiểm tra, làm việc về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm (từ ngày 25-30/1/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần thực hiện: Quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80- 100km/h; không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.
Như Tiền Phong đã đưa tin, cả nước hiện có một số tuyến cao tốc đầu tư giai đoạn hạn chế, với mỗi chiều chỉ 1-2 làn xe chạy, hoặc không có làn dừng khẩn cấp chạy dọc tuyến. Cụ thể, như đoạn Yên Bái - Lào Cai (tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai) chỉ có 2 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp (không có dải phân cách cứng ở giữa), tốc độ khai thác chỉ từ 50-80km/h.
Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn mỗi chiều đường có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp dọc dài toàn tuyến, chỉ thiết kế điểm dừng khẩn cấp, điểm vượt xe.
Trong tương lai, khi các đoạn cao tốc Bắc - Nam khác đưa vào sử dụng, như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây... đường được thiết kế cơ bản giống các tuyến đang khai thác (có điều chỉnh về khoảng cách, độ dài vị trí vượt xe, dừng khẩn cấp).
Lý giải về thiết kế và xây dựng đường cao tốc như trên, đại diện Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn vốn khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Thực tế, tới năm 2020 mới bố trí được 395 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng. Do nguồn lực ngân sách còn hạn chế, để đầu tư đạt mục tiêu về làm đường cao tốc, cũng như phù hợp với lưu lượng phương tiện, nhu cầu của người dân ở nhiều vùng chưa cao, các dự án làm đường cao tốc cơ bản được phân kỳ đầu tư. Sau này, khi nguồn lực tốt hơn, nhu cầu người dân tăng lên, sẽ tiến hành đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch.
Với giai đoạn phân kỳ làm các tuyến cao tốc (giai đoạn đầu), dù quy mô chỉ 2 hoặc 4 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến, nhưng các cao tốc đều có dải phân cách giữa, không giao nhau đồng mức với đường khác, có các vị trí dừng khẩn cấp, vị trí vượt xe... Làm như thế đủ đảm bảo để phương tiện lưu thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian đi lại. Đường cao tốc chỉ phục vụ ô tô; xe máy, xe thô sơ không được lưu thông.
“Bộ GTVT cam kết các dự án đường cao tốc đã, đang và sẽ triển khai đều tuân thủ đúng quy định hiện hành, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo hiệu quả, an toàn”, đại diện Bộ GTVT nói. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đầu tư và vận hành hệ thống tổ chức giao thông thông minh, trong đó có việc điều chỉnh tốc độ xe chạy cao tốc thay đổi theo lưu lượng phương tiện thực tế trên tuyến (tốc độ tăng khi xe ít và ngược lại).