Sáng 24/12, Bộ GTVT đã tổ chức tổng kết công tác năm 2020 và cả giai đoạn 2016-200, triển khai nhiệm vụ năm tới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm 2020 tình hình trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Dù vậy, Việt Nam vẫn nổi lên với nhiều kết quả tích cực, trong thành công đó có đóng góp của ngành GTVT về hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cải thiện vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp..
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua hoạt động đầu tư công giải ngân chậm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có vướng mắc từ quy định pháp luật. Do đó, các dự án ngành giao thông dù triển khai chậm vì ngành giao thông làm thận trọng, dù chúng ta sốt ruột trước việc giải ngân đầu tư công chậm, nhưng việc triển khai các dự án cũng tạo ra nề nếp mới, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng ghi nhận thành công của Bộ GTVT trong quản lý hoạt động vận tải đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng phục vụ; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được cải thiện, tai nạn giao thông giảm nhiều năm liên tiếp…
Dù vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, trong giai đoạn 2016-2020 các dự án giao thông khởi công mới, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) rất ít. Mục tiêu có 2.000km đường bộ cao tốc vào năm 2020 đã không đạt được, dự kiến phải tới năm 2022 mới xong, tức chậm hơn 1 năm so với yêu cầu. Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do chưa chủ động, nên riêng công tác chuẩn bị mất 2 năm, tới khi được thông qua đã không còn nhiều thời gian để thực hiện.
Trong lĩnh vực đường sắt, lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá chưa được quan tâm đúng mức, nhiều dự án hạ tầng đường sắt chậm tiến độ, đặc biệt là dự án quan trọng như đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM. Trong khi vận tải hàng hoá chủ yếu qua đường bộ, do chua đầu tư đúng mức, chưa khai thác hết lợi thế của đường sắt, hàng hải và đường thuỷ, dẫn tới chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng tới cạnh tranh quốc gia; sự kết nối liên vùng, kết nối giữa các loại hình vận tải với nhau cũng chưa tốt.
Với hàng không, dù đã được nâng cấp mở rộng triển khai trong năm 2020, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nguy cơ quá tải, ùn tắc hàng không tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn thường trực. Trong khi đó, có những cảng hàng không cần đầu tư để tạo động lực cho phát triển khu vực, như sân ba Điện Biên vẫn chưa được đầu tư đúng mức…
Với giao thông đô thị, Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn chưa phát triển kịp tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số, đặc biệt tại đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, dẫn tới ùn tắc giao thông gia tăng từng ngày.
Giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT trong năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành giao thông cần chủ động hơn trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt về đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó cần xác định nguồn vốn ngân sách chỉ khoảng 30%, phần còn lại phải huy động từ vốn đầu tư xã hội. Muốn đạt được huy đọng vốn xã hội phải xác định rõ trong quy hoạch tuyến đường nào, dự án nào sẽ đầu tư công, dự án nào kêu gọi hợp tác công – tư, có như vậy mới huy động được vốn xã hội vào hạ tầng giao thông.
Vì theo Phó Thủ tướng, trong 5 năm tới (2021-2025) nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 1 nửa. Do đó, sẽ rất khó đạt các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, nếu không kêu gọi vốn tư nhân và vốn nước ngoài. Chỉ riêng mục tiêu đạt 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030 đã cần tới khoảng 300 nghìn tỷ đồng, hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM cũng cần tới 70-80 tỷ USD; chưa kể đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các sân bay…
“Nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần, nên cần kêu gọi đầu tư từ xã hội. Tuy nhiên, sau 1 thời gian thực hiện rất nhiều dự án BOT giao thông, tới nay thì gặp nhiều khó khăn, như cao tốc Bắc – Nam phía Đông dù rất tốt để đầu tư BOT, nhưng vẫn thất bại. Do đó, thời gian tới Bộ GTVT cần nghiên cứu để khắc phục, đặc biệt liên quan tới thể chế, để nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn vào hạ tầng giao thông”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần thực hiện tốc các kế hoạch về đầu tư sân bay Long Thành, các dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác; hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông đô thị…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ liên quan tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc; tái cơ cấu hoạt động vận tải để giảm chi phí logistics…
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ giao về xây dựng văn bản pháp luật; cách thủ tục hành chính, khi cắt giảm 35 thủ tục, đơn giản hoá 166 thủ tục, giảm 384/570 điều kiện kinh doanh (giảm hơn 67%).
Về đầu tư công, năm 2020, Bộ GTVT được giao 39.826 tỷ đồng, tới tháng 11 vừa qua đã giải ngân hơn 32.100 tỷ đồng, dự kiến hết năm tài chính sẽ giải ngân đạt khoảng 90% số vốn được giao. Đặc biệt, đã khởi công 6/11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông, xong giai đoạn 1 dự án nâng cấp sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, chuẩn bị khởi công sân bay Long Thành…
Trong 11 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người, so với cùng kỳ giảm hơn giảm 18% số vụ, giảm hơn 13% số người chết và giảm hơn 20% số người bị thương.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, tai nạn giao thông giảm 5 năm liên tục cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39.917 người, làm bị thương 77.477 người, so với cùng kỳ 5 năm trước đó đã giảm 42% số vụ, giảm 19% số người chết và giảm 53,9% số người bị thương.