Phó Giám đốc VMRCC lên tiếng vụ nổ gas, chìm tàu trên biển

TP - Ông Vũ Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm - cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC – Cục Hàng hải Việt Nam) cho rằng, nguy cơ cháy nổ đối với bình gas trên tàu cá là rất lớn, cần có các biện pháp phòng ngừa trước mắt và lâu dài.
Ảnh minh họa

Ông Hùng cho hay, VMRCC từng ứng cứu nhiều vụ tai nạn liên quan đến cháy bình gas trên tàu cá, nhưng vụ tai nạn đối với tàu cá BV97799TS là vụ việc nghiêm trọng, thương tâm nhất từ trước đến nay.

“Ngư dân thường đưa nhiều bình gas lên tàu để phục vụ nấu ăn trong quá trình đánh bắt xa bờ. Có tàu mang theo 4-5 bình gas loại 12 kg/bình xếp gần nhau. Bình gas, bếp gas, van và các ống nối dẫn gas trên tàu rất dễ bị nhiễm mặn, rò rỉ gas. Khi đun nấu giữa biển, sóng nước lên xuống, mất thăng bằng nên dễ dẫn đến cháy nổ”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, với cách thức đánh cá nhỏ lẻ, dài ngày như hiện nay, việc dùng gas đun nấu được coi là giải pháp tiện lợi và an toàn hơn so với dùng dầu hỏa hay đun củi, than. 

Vì thế, biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền để ngư dân mua các bình gas đảm bảo chất lượng, an toàn; thường xuyên bảo dưỡng vòi dẫn gas, thay bếp gas bị rỉ sét vì muối. Việc tuyên truyền nên thực hiện bằng việc dán các tờ rơi ở khu vực nấu ăn trên tàu cá.

Ngoài ra, trên tàu cần trang bị đầy đủ bình cứu hỏa để xử lý khi sự cố xảy ra; việc trang bị bình cứu hỏa là một trong những hạng mục của chương trình “Làng chài an toàn giao thông” do trung tâm phát động và đang triển khai.

Ông Hùng đề nghị, chính quyền địa phương có các cảng cá cần tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn đối với các bình gas bán tại các cảng cá.

“Về lâu dài, để khắc phục triệt để cần hướng ngư dân đến mô hình đánh bắt cá quy mô lớn bằng tàu vỏ sắt có công nghệ phòng chống cháy nổ an toàn; hoạt động theo tổ đội" – ông Hùng nói.

>>Nỗi đau ập xuống quê nghèo

>>Nổ gas, chìm tàu trên biển: Chủ tàu nói gì?

>>Tìm thấy 8 thi thể thuyền viên vụ nổ gas chìm tàu trên biển