Phim Việt: Quá đà với sex và đồng tính

Vài năm lại đây, tình yêu đồng tính và sex được khai thác nhiều trong các bộ phim Việt. Khi xã hội cởi mở và có cái nhìn “thoáng” hơn với những vấn đề vốn được cho là nhạy cảm này, các nhà làm phim không bỏ lỡ cơ hội để phản ánh thực tế, mà còn đưa đồng tính và sex vào phim như một chiêu để câu khách. 
Cảnh trong phim Chơi Vơi

Nóng mặt vì cảnh “nóng”

Chưa bao giờ màn ảnh Việt lại tràn ngập cảnh “nóng” và mức độ “nóng” có chiều hướng ngày càng tăng “đô” hơn, trực diện hơn, như vài năm lại đây. Các diễn viên (cả nam và nữ) đều dễ dàng cởi bỏ (y phục), mà lý do rất dễ nhận ra - chỉ để tạo chú ý với người xem, nếu không muốn nói thẳng ra rằng, chỉ với mục đích câu khách là chính!

Nếu cảnh nóng trong những bộ phim nghệ thuật trước đây như: Rừng đen, Sống trong sợ hãi, Đời cát, Thung lũng hoang vắng... khiến người xem hiểu hơn về tâm lý nhân vật, góp phần đẩy tình huống, câu chuyện lên cao trào và đem lại cho người xem cái nhìn đồng cảm hơn thì các cảnh nóng bây giờ dễ dãi khiến người xem phải đỏ mặt, “bỏng” mắt!

Nhìn lại các bộ phim Việt chiếu rạp trong hai năm lại đây, hầu như bộ phim nào cũng có một vài cảnh “nóng”. Từ phim tâm lý, hình sự, kinh dị ma quái cho đến phim hài, có thể kể như: Biết chết liền, Mỹ nhân kế, Lấy chồng người ta, Mùa hè lạnh, Mất xác, Bước khẽ đến hạnh phúc, Hương ga, Tốc độ và đường cong, Đập cánh giữa không trung, Lạc giới, Dịu dàng...

Với mức độ “nóng đến bỏng mắt” người xem, các phim đều phải chịu dán mác 16+, sau khi đã được chỉnh sửa, cắt cúp theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim quốc gia. “Một số phim, vì thông điệp không có gì ngoài việc cổ súy cho cách sống buông thả, bản năng và một lớp trẻ dễ dàng trút bỏ xiêm y; nên nếu có cắt thì cắt hết phim, vì vậy phim bị cấm phát hành ra rạp.

Chúng tôi hết sức chia sẻ với các nhà sản xuất phim, vì làm ra một bộ phim là rất tốn kém. Nhưng không hiểu sao, dạo này các nhà sản xuất phim Việt lại khai thác nhiều cảnh nóng đến thế, mà mức độ ngày càng “bạo” hơn, không phù hợp với văn hóa, cách sống của người Việt nên không thể không cắt!” - một thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cho biết.

Cảnh trong phim Cầu vồng không sắc.

Người đồng tính “đổ bộ” vào phim

Lúc đầu còn dè dặt để chỉ là những nhân vật thoáng qua, được khai thác như là một chi tiết, một tình huống và nhân tố tạo tiếng cười cho bộ phim. Giờ đây, người đồng tính, tình đồng tính trở thành nhân vật trung tâm của cả bộ phim. Có cảm giác, con người, tình yêu của người đồng tính đang được khai thác một cách triệt để. Những nhân vật đồng tính vui vui, hài hài có trong: Để mai tính 1, Âm mưu giày gót nhọn, Nàng men chàng bóng, Cưới ngay kẻo lỡ, Cô dâu đại chiến, Tốc độ và đường cong, Siêu nhân X...; trở thành một phần quyết định của bộ phim, như Chơi vơi, Hot boy nổi loạn, Cảm hứng hoàn hảo, Scandal - Hào quang trở lại; hay phim hoàn chỉnh về thế giới, tình yêu của người đồng tính: Lạc giới, Để mai tính 2, Cầu vồng không sắc.

Diễn viên Mai Thu Huyền, nhà sản xuất bộ phim Lạc giới cho rằng: “Điều quan trọng nhất là nếu không tinh tế sẽ dễ bị phô, hoặc khiến khán giả mất cảm xúc. Nếu được những người trong giới thứ ba và cả người ngoài chấp nhận được, tôi nghĩ phim thành công”. Diễn viên Thái Hòa, người gây ấn tượng và tạo nhiều dư luận trái chiều với hình ảnh nhân vật chị Hội trong Để mai tính 1 và Để mai tính 2 cũng nhìn nhận: “Khi quyết định làm Để mai tính 2 tôi cũng hơi lo vì thấy thời gian gần đây, người đồng tính xuất hiện hơi nhiều trong phim Việt. Nhưng trên quan điểm, nếu mọi người chấp nhận và xác định có sự bình đẳng giữa người đồng tính với mọi người trong xã hội, mọi chuyện trở nên bình thường. Nếu đem họ lên phim với mục đích phục vụ tiếng cười và những hình ảnh phản cảm, điều ấy là không nên. Chị Hội trong phim là con người đầy tình yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu và nhận lấy những thiệt thòi về cho mình. Tôi nghĩ, người đồng tính cũng có người tốt, người xấu và phim đề cập những mặt tốt của họ đâu có gì sai”.

Lý giải về việc thực hiện Cầu vồng không sắc, đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến cũng thừa nhận, vì xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này, vì muốn phản ánh mối quan hệ, ứng xử trong gia đình khi phát hiện con em mình là người đồng tính, vì muốn mọi người hiểu và chia sẻ hơn về người đồng tính nên anh đã quyết định thực hiện bộ phim này.Theo anh, đều xuất phát từ mong muốn xã hội, mọi người có cái nhìn bình đẳng, chia sẻ với người đồng tính; song vì còn mang nặng yếu tố giải trí, câu khách để đảm bảo doanh thu, nên những nhân vật, bộ phim về người đồng tính dù đạt về doanh thu (do tò mò) nhưng vẫn chưa thể chạm vào trái tim người xem, đem lại cho người xem sự hài lòng, thấu hiểu...!

Lý giải thực tế mất cân đối về đề tài làm phim hiện nay (khi thì ào ạt đổ xô làm đủ các loại phim ma quái, kinh dị; lúc lại tập trung khai thác đồng tính, sex...), đạo diễn Vinh Sơn cho rằng: “Phim nhà nước đặt hàng, đầu tư thường có đề tài khô khan, kinh phí và tay nghề còn nhiều hạn chế nên không tạo ra được câu chuyện hấp dẫn để thu hút người xem. Trong khi đó, nhà sản xuất phim tư nhân chịu khó đầu tư - cả khâu sản xuất và quảng cáo, tay nghề của ê kíp làm phim lại rất khéo và giỏi nên họ làm ra được những bộ phim giải trí có câu chuyện và cách thể hiện hấp dẫn. Thêm vào đó, nhà sản xuất tư nhân nhanh nhạy biết thị trường, khán giả thích gì, họ đáp ứng liền. Theo tôi, điện ảnh Việt hiện nay đang trong giai đoạn định hình. Muốn có một môi trường và những khán giả lý tưởng cần sự kết hợp của nhiều yếu tố về giáo dục, văn hóa...”.

Mục đích cuối cùng của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng là vươn đến chân - thiện - mỹ, nhưng trong thời buổi phim nhà nước còn bó hẹp phạm vi đề tài và ì ạch, khó khăn mới “bò” được ra rạp, thì quyền chủ động lại thuộc về những nhà sản xuất phim tư nhân. Và vì thế, việc dán mác 16+ cho những bộ phim đề cập đến những vấn đề nhạy cảm chỉ như việc rung “sợi dây chuông” cảnh báo mà thôi!.

Nghệ sĩ ưu tú Hồng Ánh - người từng diễn cảnh “nhạy cảm” và chấp nhận “cởi” trong một số phim cũng cho rằng: “Những bộ phim làm ra với mục đích giải trí, dù có theo trào lưu nào - ma quái, sex, đồng tính... rồi cũng đến lúc bị bão hòa. Khán giả không thể xem mãi một kiểu, nên khi phim không còn được đón nhận, tự khắc nhà sản xuất sẽ thay đổi. Nếu phim nhà nước chịu làm và làm hay, hấp dẫn về những đề tài nhạy cảm này, chắc chắn khán giả cũng sẽ ùn ùn đến rạp”.

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng