Nhưng, nếu ai có dịp theo dõi nhiều, người xem sẽ thấy khá mệt mỏi khi chuyện phim xoay đi xoay lại là những chuyện cãi cọ, ngoại tình, và với các em nhỏ khi xem cùng cha mẹ, sẽ rất ngại ngùng khi phim có khá nhiều cảnh nóng, và những câu chuyện, những lời nói, những sự va chạm có ảnh hưởng không tốt đến trẻ em…
Bộ phim Mưa bóng mây đã đi đến tập cuối cùng sau khi "cơn bão hôn nhân" gõ cửa cả ba gia đình trong phim. Bão sẽ tan, mưa sẽ tạnh, nhưng hậu quả của nó thì bao giờ cũng có. Và kết cục của những gia đình trong phim cũng vậy. 3 gia đình, 3 gia cảnh, nhưng phải trải qua những giông bão không hề nhẹ nhàng. Đó là gia đình của 3 người bạn, rất thân nhau, họ có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau nhiều việc trong cuộc sống nhưng họ lại không giữ được hạnh phúc của mình. Ba người phụ nữ trong nhóm bạn rơi vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau.
Câu chuyện thứ nhất của Bích (do diễn viên Thúy Hà thể hiện) - một giáo viên cấp ba, có chồng là cán bộ nghiên cứu có tài và hai con ngoan ngoãn. Tuy nhiên, Bích không hài lòng về khả năng kiếm tiền của chồng, để gánh nặng tài chính dồn hết lên đôi vai vợ. Mọi chuyện trở nên căng thẳng khi Bích hiểu lầm chồng - Tài (NSƯT Trọng Trinh thủ vai) ngoại tình với người bạn tên Vân. Sự mệt mỏi trở thành nỗi uất hận, cô tung hê tất cả khiến cho Tài dù còn tình cảm với vợ vẫn đưa ra quyết định ly hôn. Tới lúc này, Bích muốn cứu vãn mọi chuyện thì đã quá muộn...
Câu chuyện thứ hai của Huệ (do Thanh Hòa thủ vai) - là người thành công nhất về đường công danh sự nghiệp trong nhóm bạn ba người. Tuy nhiên, khi biết chồng mình - Đức (Huy Trinh thủ vai) là người yếu sinh lý và không có khả năng có con, trong một phút không kiềm chế, Huệ đã ngã vào vòng tay một chàng trai trẻ.
Người cuối cùng trong nhóm bạn ba người là Nga (do Thúy Hằng thủ vai) - một phụ nữ nhu mì, hết mực vì chồng con. Cuộc sống của Nga được coi là hoàn hảo khi đầy đủ vật chất, chồng yêu thương, con ngoan ngoãn, lại có mẹ ở gần chăm sóc. Tuy nhiên, do ngại thay đổi nên cuộc sống của cô chuẩn mực, như được lập trình, điều này làm cảm xúc yêu đương giữa hai vợ chồng trở nên nhàm chán. Điều này khiến cho Lân (NSƯT Trung Hiếu thủ vai) - chồng Nga rơi vào sai lầm khi ngoại tình với một cô gái mátxa. Anh đã ướt vì cơn mưa bóng mây chợt đến ấy, để rồi làm tổn thương vợ anh, khiến chị thay đổi hoàn toàn, cũng lao mình vào những cơn mưa bóng mây đầy tội lỗi để trả thù anh với lầm tưởng rằng, như thế mình sẽ hả lòng
Kịch bản của Mưa bóng mây là những câu chuyện có thật được lấy từ những câu chuyện của chương trình Người xây tổ ấm của Đài Truyền hình Việt Nam. Người xem sẽ rút ra những bài học, những kinh nghiệm bổ ích cho mình. Từ những câu chuyện có thật, để tạo sự liên kết, đúng diễn biến câu chuyện, phim cũng có nhiều cảnh được "đắp" nhằm tạo những tình tiết gay cấn. Nhưng theo dõi phim sẽ thấy, phim có những cảnh diễn đã đi "quá xa", không tạo được sự đồng cảm từ người xem.
Ví dụ Bích khi chì chiết con, có những câu nói rất nặng nề, không có tính giáo dục mặc dù ở ngoài đời thật, có thể người phụ nữ do quá áp lực cuộc sống, nhiều khi cũng "bật" ra những câu nói nặng nề như vậy. Nhưng những người xem họ sẽ nghĩ gì, khi một cô giáo mà cứ xưng "mày - tao" với con. Người xem cảm nhận ở Bích là một người phụ nữ rất đanh đá, luôn luôn làm cho con phải sợ hơn là gần gũi với người mẹ.
Ngoài ra còn phải kể đến những cảnh nóng diễn ra rất nhiều trong phim. Nghệ sĩ Trung Hiếu, trong vai người chồng có quan hệ với cô gái làm nghề mát xa, rất nhiều những động tác trong phòng mát xa được đưa lên phim; sau đó đến Nga, vợ anh, để trả thù chồng, cũng đi ngoại tình. Rất nhiều những cảnh ôm ấp, hôn hít ở những góc quay cận cảnh được đưa lên phim. Diễn viên Thanh Hòa khi quan hệ với người đồng nghiệp trẻ, những ánh mắt ướt át, những cái hôn vội vã và ghì xiết khiến người xem có cảm giác như thật.
Nếu so những cảnh ôm ấp, hôn hít trên phim cách đây vài năm so với bây giờ bạo dạn hơn rất nhiều. Còn nhớ cách đây vài năm, nếu có quay cảnh diễn viên ôm hôn nhau, cũng chỉ là hai nhân vật vừa chạm môi là đạo diễn sẽ cắt, chuyển sang cảnh khác. Nhưng phim bây giờ khác hẳn. Những cảnh ôm hôn được diễn như thật và diễn ra cũng rất lâu. Nếu phim có các em nhỏ, nhất là các em nhỏ ở độ tuổi đang lớn, và đang rất tò mò (lớp 5, lớp 6) thì không chỉ các em ngại ngùng quay mặt đi, mà các bậc phụ huynh thậm chí cũng… đỏ mặt, và muốn chuyển kênh, sợ các cháu nhỏ xem được.
Cũng về đề tài gia đình, "Hôn nhân trong ngõ hẹp" mới được phát sóng vài tập gần đây, người ta lại thấy chủ đề ngoại tình xuất hiện, và cũng rất nhiều cảnh nóng. Danh, - một người chồng phải chịu ở rể, phải chịu sự khắt khe của mẹ vợ, anh ta chán nản và có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ làm cùng công ty.
Rất nhiều cảnh nóng đã diễn ra với nhân vật này, khi cô bồ của anh ta là một người suồng sã, ăn mặc nóng bỏng, và hai người có thể ôm hôn nhau thắm thiết ở bất cứ đâu, hôn vội vàng khi vào cùng thang máy, thậm chí ngồi ở nhà hàng và nhất là ở nhà riêng khi chỉ có hai người. Những cảnh nóng, trần trụi diễn ra rất thường xuyên ở ngay mấy tập phim đầu và diễn ra gấp gáp. Những cảnh ôm hôn nhanh, gấp gáp và cận cảnh; còn những cảnh nóng trên giường thì miễn bàn. Hai nhân vật hở phần vai trần và cứ ôm ấp, rúc rích diễn rất thật. Khi bị vợ phát hiện, nhân vật này đã phải chia tay mối tình say nắng, nhưng rất nhanh, chỉ sau 3 tập phim kế tiếp, anh này lại được "cặp" với một đồng nghiệp khác ở cơ quan mới. Lại là những hẹn hò, những cái liếc mắt đưa tình, mà nhân vật nam quên cả vợ và con cứ ở nhà mong ngóng.
Người lớn xem phim thì ngại ngùng, vì sự quá trớ trêu, ngoại tình, còn trẻ em xem cùng, chắc chắn sẽ phải ngoảnh đi chỗ khác, hoặc phụ huynh sẽ nhanh chóng chuyển kênh, không muốn các em nhỏ của mình chứng kiến những cảnh như vậy.
Chuyện cảnh nóng trong phim Việt đã được phê phán nhiều, chuyện rút kinh nghiệm của các nhà làm phim đến đâu thì không biết, nhưng khi xem những bộ phim đang chiếu hiện tại, có lẽ sự biến chuyển chưa nhiều, còn rất nhiều cảnh nóng khiến người xem ngại ngùng. Có cần thiết phải "diễn" nhiều cảnh nóng trên phim đến như vậy? Có phải chỉ như vậy mới lột tả được hết sự ngoại tình, và đó có phải là điều mà các nhà làm phim muốn nhấn tới.
Xem phim, cũng là thư giãn, cũng là những giây phút giải lao, giải trí, thì phải được sảng khoái, chứ cứ xem những cảnh cãi cọ, nhiếc móc, ngoại tình, chỉ trích nhau và những cảnh nóng trên phim làm người xem cảm thấy còn băn khoăn nhiều. Nên chăng, các nhà làm phim có thể "giảm tải" những điều trên, để người xem phim thực sự được nghỉ ngơi, được giải trí?