Phí hàng trăm dịch vụ y tế có thể gấp đôi

Viện phí và giá nhiều dịch vụ y tế, kỹ thuật có thể đồng loạt tăng tới đây, nhiều dịch vụ có mức tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, Bộ Y tế trấn an lần tăng này không ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người có thẻ BHYT.
Bộ Y tế cho rằng các hộ cận nghèo và nông dân được hỗ trợ BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi giá dịch vụ y tế tăng. Ảnh: Th.H

> Lương tâm & lương tháng
> 'Nếu không có phong bì, họ chích đau hơn'
> Tăng giá dịch vụ y tế để nâng chất lượng

Bộ Y tế cho rằng các hộ cận nghèo và nông dân được hỗ trợ BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi giá dịch vụ y tế tăng. Ảnh: Th.H.
 

Hôm qua, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị điều chỉnh giá của 350 dịch vụ y tế, trong khi chờ Chính phủ ban hành nghị định về vấn đề này. Những dịch vụ dự tính tăng gồm giá khám - chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh và giá các dịch vụ kỹ thuật…

Có 220 dịch vụ, kỹ thuật dự định sẽ tăng 2-2,5 lần là các dịch vụ không thường xuyên và thường rơi vào nhóm các dịch vụ y học dân tộc, châm cứu... ; khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7-10 lần.

Bộ Y tế cho rằng, giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định từ năm 1995 chỉ từ 500-3.000 đồng/lần khám đến nay không đủ để mua găng tay, khẩu trang trong khi còn nhiều chi phí trực tiếp khác như vật tư, điện, nước, dụng cụ. Vì thế, trên cơ sở tính toán chi phí hiện nay, Bộ Y tế đề xuất mức điều chỉnh từ 6.000-25.000 đồng tùy theo từng hạng bệnh viện, từng chuyên khoa sẽ có mức phù hợp.

Đối với giường điều trị nội trú quy định tại thông tư ban hành năm 1995 chỉ từ 4.000-18.000 đồng, trong khi đó chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải cho 1 giường bệnh trong 1 ngày đã vào khoảng 10.000-17.000, tiền điện, nước vệ sinh cũng khoảng 10.000 đồng/ngày, đó là chưa kể nếu phòng có điều hòa thì chi phí cao hơn nhiều.

Ông Trần Đức Long cho biết, dự kiến mức điều chỉnh sẽ thay đổi theo hướng trạm y tế xã từ 10.000-15.000 đồng/ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30.000- 120.000 đồng/ngày… Đối với các thủ thuật có nhiều phương pháp thực hiện khác nhau như nội soi, siêu âm hoặc có thể gây tê, gây mê thì quy định cụ thể khung giá theo từng loại để thuận lợi cho việc thanh toán.

Ví dụ với cắt amidan, trước đây chỉ 20.000-40.000 đồng, do kỹ thuật đơn giản dễ có khả năng gây tai biến cho bệnh nhân, còn hiện nay hầu hết bệnh viện phải sử dụng kỹ thuật gây mê với tổng chi phí khoảng 600.000-700.000 đồng/ca…

Theo Bộ Y tế, việc tăng viện phí không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ BHYT vì chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả 1 số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Phần tăng thêm cũng được BHYT thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Luật BHYT.

Đối với người thuộc hộ cận nghèo và nông dân, theo lộ trình thực hiện Luật BHYT, từ 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT (đang đề nghị nâng mức hỗ trợ 50- 60%) để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Bộ Y tế cho rằng, nếu tham gia BHYT, về cơ bản các đối tượng này không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Long cho biết thêm, từ năm 2013 trở đi, khi Chính phủ ban hành nghị định về điều chỉnh giá của các dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ thực hiện tính đầy đủ chi phí, đồng thời thay đổi về cơ bản phương thức thanh toán, chuyển từ thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói; thanh toán theo định suất đối với người bệnh có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.

Theo Báo giấy