Ngăn chặn “ổ gà, ổ voi” thủ tục
Các đại biểu Quốc hội nêu nhiều đề xuất tại phiên thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu và các nước thành viên EU (EVIPA). TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá, đây là hiệp định thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất.
“Giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tại kỳ họp này, Quốc hội bấm nút phê chuẩn hiệp định, cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc quan trọng này”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, cao tốc EVFTA không phải con đường miễn phí, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc phải làm để “đoàn xe doanh nghiệp” và cả nền kinh tế vận hành trơn tru. Do vậy, phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào cao tốc. Đó chính là những luật, nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó.
“Với EVFTA, chúng ta cũng phải làm quyết liệt công tác tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, cơ quan liên quan ở cả trung ương và địa phương, hướng dẫn thực hiện và thường xuyên rà soát, kiểm tra trên thực tế. Mục tiêu là để bảo đảm cán bộ thừa hành phải biết và hiểu đúng việc cần làm; ngăn chặn được các biểu hiện xin- cho, nhũng nhiễu “hành” doanh nghiệp, tạo ra “ổ gà, ổ voi thủ tục” trong quá trình thực thi hiệp định “cao tốc” quan trọng này”, ông Lộc nói.
Xác định sản phẩm thế mạnh
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), với 27 nước EU, bao gồm những quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư, chúng ta sẽ có cơ hội nâng tầm ở nhiều lĩnh vực. “Điểm nổi bật là không được phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia nào, ở bất cứ lĩnh vực nào. Đại dịch hiện nay buộc chúng ta phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội về mọi mặt”, ông Nghĩa nói và cho rằng, hai hiệp định này sẽ tạo điều kiện để chúng ta đa phương, đa dạng hoá, tối ưu hoá quan hệ thương mại, đầu tư.
Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ có chiến lược, kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, nền kinh tế, hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu, triển khai. “Chúng ta bắt đầu cuộc đua, chứ không phải là bắt đầu bữa tiệc”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, các hiệp định sẽ tạo ra chuỗi cung ứng khép kín cho các ngành hàng nông sản, thủy sản, may mặc của Việt Nam. “Chính phủ cần xác định ngay các sản phẩm, hàng hoá nào là thế mạnh khi xuất khẩu vào thị trường EU. Từ đó đánh giá ngay mức độ đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật xem những hàng hoá đó cần phải làm gì để đạt được tiêu chuẩn của EU và Chính phủ phải làm gì về mặt chính sách, thể chế để giúp các doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn đó”, ông Cường nói.
Việc gia nhập Công ước số 105 giúp nâng cao năng suất lao động
Chiều 20/5, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình trước Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Theo Phó Chủ tịch nước, việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị tiến tới phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Văn Kiên