Phát triển khoai tây sạch bệnh

TP - Thông tin tại Hội thảo “Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nhân và sử dụng khoai tây sạch bệnh” cho thấy, một trong những khó khăn của việc mở rộng diện tích trồng khoai tây là chất lượng giống. 

Giống khoai tây thường bị thoái hóa theo thời gian do nhiễm bệnh virus (xoăn lá) kéo theo giảm năng suất. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất, hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn giống với giá cao để thay thế những giống thoái hóa.

Năm qua, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông, Khuyến ngư Thái Bình triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh, để tạo ra củ giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các giống cấp tiếp theo. Theo tính toán sơ bộ, giá thành sản xuất 1 kg giống khoai tây nguyên chủng là 15.330 đồng/kg (trong khi giá giống nhập là 24.000 - 25.000 đồng/kg), năng suất bình quân ở các mô hình đạt 500 kg/sào. 

Các kỹ thuật trong phòng nuôi cấy mô bao gồm: Nhân nhanh cây giống khoai tây trong ống nghiệm và tạo củ microtuber trong ống nghiệm; sau 10 ngày, nhân nhanh cây giống khoai tây bằng phương pháp cắt ngọn; sau 15 ngày khi đạt tiêu chuẩn cao 10 - 15cm, bộ rễ khỏe mạnh, đem cây con trồng trên hệ thống khí canh để sản xuất củ giống.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ này trên quy mô rộng, nhằm cung cấp nguồn giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng cho sản xuất khoai tây đại trà. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho nông dân, đảm bảo sản xuất bền vững.