Phát triển đội tàu dịch vụ ở Hoàng Sa

TP - Ngày 16-5, tại âu thuyền Thọ Quang, thêm một tàu lớn của ngư dân Đà Nẵng hạ thủy, thẳng tiến Hoàng Sa làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Sở NN&PTNT cho hay, thành phố quyết tâm phát triển dịch vụ này ở Hoàng Sa.

> Ra Hoàng Sa làm dịch vụ

Tàu ĐNa 90511 hạ thủy, ra Hoàng Sa làm dịch vụ. Ảnh: Nam Cường.

Sáng qua, tàu ĐNa 90511TS của ông Trần Toàn (tổ 42 phường Thuận Phước, quận Hải Châu) hạ thủy, bắt đầu hành trình ra Hoàng Sa làm dịch vụ nghề cá.

Như vậy, sau gia đình ông Lê Mến quyết tâm bám biển bằng nghề dịch vụ, hậu cần biển với tàu 1.200 CV sắp hạ thủy, gia đình ông Toàn cũng sẽ cung cấp dịch vụ ở Hoàng Sa.

  Các tàu ra Hoàng Sa làm dịch vụ nghề cá , đáp ứng nhu cầu đánh bắt, bán hải sản cho ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ xăng dầu theo Nghị định 48 của Thủ tướng Chính phủ, miễn là họ có các loại giấy tờ xác nhận hợp lệ 

Ông Ngô Văn Quang - Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng

Được sự động viên của Hội Nông dân phường, ông Toàn quyết tâm đóng tàu lớn có công suất 450 CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Để đóng tàu này, ông phải bán 1 tàu nhỏ và vay mượn bà con.

“Đời tui đi biển tính đến nay đã hơn 30 năm, cả gia đình mấy con đều sống nhờ biển. Sau này, thấy câu chuyện nghịch lý của ngư dân khi ra khơi đang đánh bắt dở dang phải quay về vì thiếu dầu, thực phẩm nên tui nghĩ phải cung cấp trực tiếp cho họ”, ông Toàn nói.

Ông Ngô Văn Quang (Văn phòng Sở NN&PTNT Đà Nẵng) cho hay, trong nghị quyết HĐND thành phố năm 2012, lãnh đạo thành phố cũng coi việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với việc phát triển loại hình dịch vụ nghề cá ở Hoàng Sa.

“Đây là nhu cầu thiết thực, là sự phát triển tất yếu của việc đánh bắt xa bờ.

Muốn hiệu quả hơn, không thể không có dịch vụ trực tiếp. Dịch vụ nghề cá ở Hoàng Sa là một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển, từ đánh bắt đến thu mua và chế biến hải sản”, ông Quang nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước, Hội sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư vào loại hình dịch vụ này để có một đội tàu mạnh đáp ứng nhu cầu của ngư dân đáng bắt ở Hoàng Sa.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị với cấp trên tạo cơ chế mở, cho vay lãi suất thông thoáng để ngư dân yên tâm chuyển đổi ngành nghề”, bà Hạnh nói.

Theo Báo giấy