Phát ngôn của quan chức

TP - Tuần qua có hai phát ngôn ấn tượng của hai vị quan chức gây sự chú ý, một ở trung ương và một ở địa phương, một của vị Bộ trưởng 62 tuổi và một của tân Bí thư thành ủy mới 39 tuổi trẻ nhất nước.

Cả hai phát ngôn đều có chung một đặc điểm là rất thẳng thắn và hợp lòng dân.

“Các đại biểu đều biết là nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái, thậm chí đứng tên con cái cũng không khai nữa. Cho nên số liệu về nhà ở tính vào chưa chắc đã đúng. Chính đại biểu chúng ta trong này có khi nhiều người cũng chẳng kê khai, nói gì đến nhân dân. Đầu vào không chính xác thì đừng nói đến số liệu chính xác” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu trước QH khi thảo luận về Luật Thống kê (sửa đổi) ngày 4/11.

“Nếu tình hình không có chuyển biến thì cuối năm, trưởng công an các quận huyện đánh giá thi đua là xếp không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu 3 tháng tới mà không có chuyển biến tốt thì sẽ điều chuyển anh trưởng phòng CSGT và trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Còn 6 tháng không có chuyển biến thì điều chuyển anh phó giám đốc công an TP phụ trách lĩnh vực được giao. Nếu mà cả năm không có chuyển biến thì Thường trực Thành ủy sẽ làm việc với Đảng ủy Công an trung ương về trách nhiệm của lãnh đạo Công an TP” - tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại hội nghị đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở phường xã của TP Đà Nẵng sáng 6/11. Đến lượt mình, ông Xuân Anh cũng thẳng thắn rằng: “Còn nếu làm không được thì sẽ nghỉ, đi xuống cho người khác làm”.”

Phát ngôn của ông Xuân Anh ngay lập tức được báo chí trích dẫn, tường thuật chi tiết.  Nhờ vậy, công luận và người dân từ nay có cơ hội giám sát lời nói và hành động của vị tân Bí thư Đà Nẵng, xem 3 tháng, 6 tháng rồi 1 năm nữa tình hình an ninh trật tự ở Đà Nẵng sẽ chuyển biến ra sao, có ai bị điều chuyển  hay không. Cách làm quyết liệt này chắc chắn cán bộ sẽ bị áp lực, song đó là áp lực cần phải có của một chính quyền do dân và vì dân.

Phát ngôn của quan chức, nhất là về những vấn đề nóng thuộc lĩnh vực hay địa bàn mình đảm trách, được hiểu chính là quan điểm là cung cách điều hành công việc của vị quan chức đó. Dân chúng nhìn vào đấy để biết mức độ quyết liệt, mức độ “đày tớ” của dân tới đâu, hay chỉ là những lời muôn năm đúng và ít đụng chạm mà thôi. Nếu phát ngôn theo lối “khuôn mẫu” thường thấy, có thể ghế của những vị quan chức đó sẽ bớt nóng, cấp trên hài lòng mà cấp dưới cũng bớt áp lực, lợi đủ bề chỉ mỗi dân là thiệt.

Nhớ lại khi QH bàn về dự thảo Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng nói: “Có vụ trưởng nói: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai đến Bộ KH&ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng”. Từ đó báo chí hay gọi ông là Bộ trưởng “lấy đá ghè chân mình”.

Suy rộng ra, đó là một cách gọi yêu mến mà báo chí và người dân trân quý dành cho những vị quan liêm, luôn minh bạch và trách nhiệm trước dân. Tiếc rằng, những vị quan chức tự “lấy đá ghè chân mình” chưa nhiều.