Phát hiện di tích mới trên cao nguyên đá Đồng Văn

TP - Việc tìm thấy nhiều công cụ lao động nguyên thủy ở Đồng Văn, Hà Giang gợi lên cuộc sống xã hội của con người thời tiền sử nơi đây mà trước kia chúng ta vẫn khá mơ hồ. 
Đoàn cán bộ khảo sát bậc thềm sông cổ tại Yên Minh. Nguồn: Viện khảo cổ học Việt Nam

Sự tình cờ may mắn

Có rất nhiều người yêu những con đường cheo leo trên cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng từ khi được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu thì các con đường bằng phẳng rộng rãi hơn được thi công để phục vụ du lịch. Cũng có nhiều người tiếc nuối cái cũ. Ít ai ngờ việc làm đường lại mở ra câu chuyện quá khứ.


Người ta xẻ đồi làm đường. Rồi mưa gió khiến mái đường bị sạt lở và hiện trạng đập vào mắt nhà khảo cổ. Một cuộc khảo sát lập tức được tiến hành với sự phối hợp giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam với Sở VHTTDL Hà Giang cùng Bảo tàng tỉnh. Chuyến đi điều tra trên phạm vi rộng bao gồm cả bốn huyện vùng cao phía bắc là Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Ba, Yên Minh.

Kết quả khiến những người làm chuyên môn mừng rỡ. Những phát lộ khảo cổ đầy giá trị đồng thời hứa hẹn những phát hiện khác nếu chịu đầu tư. 

Những di tích nổi bật được tìm thấy lần này có suối Séo Hồ ở Đồng Văn, hang Thẩm Ly Quyến ở Yên Minh và một loạt khu vực chứa di vật thuộc Mèo Vạc. Mỗi nơi mang tới thông tin riêng biệt giúp tái hiện lại cuộc sống của người nguyên thủy.

Tại Séo Hồ người ta gặp các công cụ đá rất cổ sơ, tương tự như nhóm di vật thời đồ đá cũ 20 nghìn năm tuổi tìm thấy tại Cán Tỷ, Quản Bạ năm ngoái. Những công cụ này đều đã bị phong hóa mặt ngoài song không mất đi dấu tích ghè đẽo gia công. Rõ ràng người thời đó chưa biết mài vật dụng cho trơn nhẵn, cho sắc. Chúng được dùng một cách tổng hợp, thay dao rìu bàn nạo và là minh chứng cho bước tiến hóa của con người vượt trên động vật.

Thú vị nữa là cái vỏ ốc suối chặt đuôi, vỏ ốc núi bán hóa thạch. Đây là tàn tích thức ăn của người nguyên thủy nằm trong hang Thẩm Ly Quyến thuộc xã Du Già, Yên Minh. Nhân vật tiền sử đã dùng món ăn này chưa biết dựng lều lán như những người sống cạnh thềm sông cổ.
Bộ tứ di tích mới lộ ra tại huyện Mèo Vạc có niên đại trẻ hơn rất nhiều.

Những chiếc rìu đá mài nhẵn và có cả bàn mài lõm. Chúng là sản phẩm của người Việt cổ bốn nghìn năm trước. Lần đầu tiên Mèo Vạc phát hiện được di tích khảo cổ học. Nó mở ra giả thuyết về một bộ phận người tiền sử vẫn sinh sống, bám trụ ở khu vực này. Trong khi các nhóm khác đã di cư xuống hạ nguồn tham gia vào thời kỳ kim khí của các vua Hùng tại Phú Thọ.

Một điều may mắn nữa là hầu hết di vật vẫn chìm sâu dưới hàng mét đất, trong môi trường bảo tồn hoàn hảo.

Cơ hội cho Văn hóa

Lâu nay các nhà khoa học vẫn cho rằng địa hình chia cắt mạnh, núi cao độ dốc lớn, ít nguồn nước bề mặt như sông suối khiến cho điều kiện cư trú của con người hết sức khó khăn, do vậy rất khó có khả năng tìm thấy các di tích văn hóa thời tiền sử và sơ sử trên cao nguyên đá.

Chính vì thế người ta ít bàn về vấn đề này. Thay vào đó là đề cao những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Đồng Văn. Nhắc đến Đồng Văn là nghĩ tới đá. Nay từ công cụ đá, lại bắt đầu nghĩ tới văn hóa. Với những chứng tích khảo cổ học hiện có, có thể thấy các giai đoạn lịch sử trên Đồng Văn gắn chặt với sự phát triển các giai đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam.

“Sắp tới sẽ tập trung nghiên cứu, cố gắng tìm chân giá trị văn hóa cho người ta thấy Đồng Văn không chỉ có đá vôi với những tay cuộn hóa thạch từ kỷ đệ Tam mà có cả dấu tích của con người từ thời nguyên thủy suốt từ hàng vạn năm về trước. Họ trụ vững, khai phá nơi đây, tạo ra một lớp trầm tích văn hóa. Lớp trầm tích văn hóa ấy giống như viên ngọc quý đang hé lộ dần dần”

PGS.TS 

Trình Năng Chung, phụ trách đoàn khảo sát Viện khảo cổ học Việt Nam

Và thế là, một lộ trình nâng cao giá trị văn hóa của cao nguyên đá Đồng Văn đã được xây dựng tới tận năm 2020. Sẽ tiếp tục có các đợt khảo sát chuyên sâu, các đợt khai quật lớn. Giới chuyên môn hy vọng dưới những vỉa đất sẽ ẩn chứa di cốt của tổ tiên chúng ta hay các mảnh gốm minh chứng cho một xã hội phát triển. Bên cạnh đó người ta cũng sẽ cố gắng tái hiện cảnh quan, đời sống, tập tục thời đó nếu như tìm được xương răng động vật hóa thạch, bào tử phấn hoa…   

Tỉnh Hà Giang đang có kế hoạch điều tra tổng thể các di sản văn hóa cổ, trong đó lấy khảo cổ học làm điểm nhấn đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện được đầu tư đúng mức, rất có thể một quần thể di chỉ lớn sẽ xuất hiện, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu theo đúng luật di sản.

Tới lúc đó, chúng ta không chỉ biết được chính xác niên đại từng khu vực di tích mà còn có thể hiểu được câu chuyện lịch sử xung quanh các di tích đó.