Phát hiện bất ngờ dưới lòng tháp Chăm cổ 1.000 năm tuổi
TPO - Cơ quan chức năng đã phát hiện, thu được một số lượng lớn di vật gồm 4.807 tiêu bản chủ yếu là vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia, phù điêu đá, đồ gốm men, sành, đất nung, tiền kim loại… khi thăm dò, khai quật khảo cổ học tháp đôi Liễu Cốc - công trình tháp Chăm có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế).
Cuối tháng 4 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh TT-Huế phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, trên phạm vi diện tích khoảng 80m2. Sau 3 tháng thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc tại vùng Bàu Tháp, phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà), đến nay, Sở VHTT tỉnh TT-Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thu được những kết quả bất ngờ, với nhiều thông tin, di vật rất có giá trị.
Kết quả thám sát, khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc và xác định được vị trí tháp Cổng, hệ thống tường bao và đường đi nội bộ trong di tích. Đồng thời, qua khai quật cũng đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều loại hình di vật tiêu biểu, góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu, nhận thức về di tích cũng như gợi mở thêm nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật để làm sáng rõ toàn bộ quy mô, kết cấu và tính chất của di tích.
Đơn vị chuyên môn xác định được 2 đền tháp chính trong di tích. Nếu nhận định này là đúng thì có thể khẳng định tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích Champa có 2 tháp thờ chính. Để có thêm thông tin cũng như xác định chính xác niên đại của di tích, đoàn khảo cổ kiến nghị tiếp tục khai quật (giai đoạn 2). Ảnh: H.D
Cơ quan chức năng đã thu được khối lượng di vật gồm 4.807 tiêu bản, trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.
Về vật liệu kiến trúc, có 3.936 tiêu bản, gồm gạch và ngói, trong đó gạch chiếm đa số với 3.920 tiêu bản, ngói chỉ có 16 mảnh. Ảnh: T.H
Trang trí kiến trúc được tìm thấy tại di tích chủ yếu là những hình nhấn trang trí góc tháp. Tổng cộng có 50 mảnh xác định được trang trí hình đầu bò, trong đó có 2 hiện vật nguyên dáng, 11 mảnh đầu bò, 2 mảnh miệng/mũi bò, 22 mảnh bờm và 13 mảnh chốt.
Di vật đá được tìm thấy có 4 tiêu bản, gồm 1 đầu tượng Phật và 3 mảnh bia ký. Bia được làm từ đá sa thạch màu xám vàng, bề mặt mài nhẵn, trong đó có 2 mảnh mặt bia, khắc chìm chữ Phạn cổ, 1 mảnh cạnh bên của bia. Đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm.
Đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, như gốm thô, đồ đất nung, đồ sành (trong đó có 3 chiếc bình vôi của Champa, thế kỷ IX - XI còn tương đối nguyên vẹn), đồ gốm men Việt Nam (niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XIX), đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ XVII - XIX).
Tiền kim loại phát hiện được 1 đồng, tiền tròn (đường kính 2,5cm), lỗ tiền vuông, rìa cạnh sứt. Một mặt đúc nổi 4 chữ “Nguyên Phong thông bảo” viết theo lối hành thảo, đọc vòng theo chiều kim đồng hồ, niên đại thế kỷ XIII.
Theo Sở VHTT tỉnh Huế, đây là sưu tập hiện vật quý. Sau khi được nghiên cứu, chỉnh lý, giám định và lập hồ sơ khoa học sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp ích cho công tác nghiên cứu và trưng bày phát huy giá trị.
Theo các nghiên cứu, tháp đôi Liễu Cốc là một công trình đặc trưng của văn hóa Champa ước khoảng 1.000 năm tuổi, từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ xếp vào hạng những di tích giá trị trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Năm 1994, di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Cơ quan chức năng khuyến nghị, về lâu dài cần có đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đưa tháp đôi Liễu Cốc trở thành điểm tham quan hấp dẫn tại Huế.