> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Paris
IFRI - cơ quan nghiên cứu độc lập hàng đầu của Pháp chuyên tổ chức các cuộc nghiên cứu, tranh luận các vấn đề quốc tế. Mục đích để thúc đẩy đối thoại xây dựng giữa các nhà, các trường phái nghiên cứu, phân tích và hoạch định chính sách, chuyên sâu theo định hướng độc lập các vấn đề quốc tế về nhiều lĩnh vực.
Khi ngài Viện trưởng Thierry de Montbrial thân đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sảnh của Viện thì mấy ngày trước đó trên trang mạng của Viện (www. Ifri.org) đã treo ngay trang nhất ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kèm nội dung
Thứ 3, Tháng Chín 24 16:00-17:30. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trình bày nội dung Quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt: Xây dựng lòng tin chiến lược.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ được bổ nhiệm vào năm 2006. Nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đáng kể từ đầu những năm 1990, trong nhiều yếu tố có việc mở cửa ra bên ngoài. GDP bình quân đầu người đã tăng gấp ba trong giai đoạn này. Việt Nam là thành viên của ASEAN từ năm 1995 và gia nhập WTO từ năm 2007. Việt Nam, một trong những quốc gia hiện đang tham gia vào các cuộc đàm phán đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Hội nghị chủ trì bởi Thierry de Montbrial, Giám đốc điều hành, IFRI.
Lòng tin!? Có lẽ không thứ gì mới và cũ hơn? Nhớ cái đêm Thủ tướng Việt Nam đăng đàn ở Singapore, tôi đang ngồi với mấy ông rộng chữ mà thời nào cũng phải gọi đích danh họ là học thật chứ không phải học giả! Họ bảo, khi đăng đàn ở Shangri-La, một thứ địa chính trị của miền đất Đông phương chừng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăng hoa, đã sinh sắc thêm minh triết Trung Hoa qua một chữ. Đó là chữ tín, một trong thứ ngũ thường để cấu kết lẫn cố kết nên sự bền chắc của một quốc gia, của lòng người? Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Lòng tin như một biến thái của chữ TÍN trong trật tự ngôn ngữ tượng hình. Là gì nhỉ? TÍN là chữ nhân đứng (biểu thị, tượng trưng cho con người) và chữ ngôn. Ngôn tức lời nói. Lời nói không tách riêng, không trơ trọi lẩn khuất mà đứng song song với chữ NGƯỜI như là phẩm chất, như là tiêu chí của một sự tử tế.
Chữ tín - lòng tin không chỉ đắc địa ở lãnh vực cùng địa hạt buôn bán làm ăn, giao thương cổ lẫn kim? Trên cả giao thương là quan hệ quốc tế, thì ra lòng tin dường như là một bí quyết? Lòng tin chỉ trở nên vô vọng và suông nhạt khi lòng tin ở vào vị thế đơn phương cô độc và bội ước. Lòng tin như là thành tố không thể thiếu để bền chặt thêm một quan hệ tầm cấp chiến lược giữa các quốc gia, của một liên minh?
Tôi mạo muội nghĩ thêm, không phải tần suất cụm từ lòng tin được nhắc lại 17 lần trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam mà giữa hai dòng chữ, cụm từ lòng tin còn được luyến láy thêm nhiều lần khác nữa. Là âm hưởng chủ đạo xuyên suốt không chỉ vị thế và chủ đề của một lần Shangri- La mà Việt Nam trong đội hình của ASEAN (cộng mấy), điệp từ ấy còn là âm hưởng chủ đạo của một Việt Nam hòa nhập trong tư thế song phương cùng đa phương. Rồi nữa là cộng đồng quốc tế!
Và thêm lần này ở Paris!
Chiều nay ngồi ở IFRI, chợt cảm khái thêm nỗi thương, kính khi nghĩ đến Bác. Bởi gẫm thêm chữ tín cùng là lòng tin tự thuở ấy, đến thời điểm này cứ roi rói tươi bài học thời sự. Hành trang quý giá và bất biến khi ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh mang sang Pháp mấy tháng trời là lòng tin để vãn hồi hòa bình, để tránh nạn binh đao đầu rơi máu chảy... Tài sản cùng hành trang của lòng tin, của chữ TÍN ấy, Người từng trang trải giãi bầy, bộc bạch cùng bạn bè, các chính đảng, nhân dân Pháp. Với chữ tín - sự cam kết không đánh nhau không chiến tranh và lòng tin không hề vơi về một nền hòa bình có thể vãn hồi, Bác đã dũng cảm hạ bút vào một Tạm ước trong khối Liên hiệp Việt - Pháp. Nghĩa cử khoáng đạt và dũng cảm khi ấy đã khiến không ít những nhân tâm xao xuyến băn khoăn thậm chí nghi ngờ? Để rồi Cụ Hồ đã phải thốt lên rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước?
Bởi chữ tín cùng lòng tin của Cụ Hồ ở vào thời điểm cùng vị thế ngoại giao nhạy cảm, gian khó khi ấy dường như đã đơn phương và như là cô độc? Để rồi vào thời điểm vận mệnh nước nhà ngàn cân treo sợi tóc đầu 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là câu thốt lên ấy cùng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến thống thiết: Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng...
Gần trăm chuyên gia cao cấp làm việc cho IFRI (có 35 nhà nghiên cứu Pháp). Các chuyên gia IFRI kết nối thường xuyên với các Trung tâm nghiên cứu nổi tiếng thế giới. Danh tiếng của Viện nổi trội bởi các cuộc tranh luận trong bối cảnh phi đảng phái. Kể từ năm 1979, IFRI đã tổ chức hơn 1.150 hội nghị, 95 hội thảo quốc tế, 380 cuộc họp, hội thảo liên quan đến những nhân vật nổi bật của Pháp và thế giới.
Chiều nay, vây bọc giữa các học giả đang chăm chú với bài nói của Thủ tướng, chợt nghĩ thoáng đến một câu Kiều bây giờ mới gặp nhau đây/ mà lòng chắc đã những ngày một hai. Thuở một hai ấy là thời điểm gian nan khó khăn cùng là khó... nói. Nhưng chữ TÍN lòng tin Việt đã dang, đã chìa ra cánh tay tin cậy ấm áp. Chiều 11/10/1972, đứng giữa sân Tòa Lãnh sự Pháp ở đường Trần Hưng Đạo. Khi ấy mọi thứ xung quanh đang hoang bời bởi trận oanh tạc của bom Mỹ hồi trưa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gạt nước mắt bíu lấy chiếc băng ca chở ngài Lãnh sự Pháp Piere Susini bê bết máu vì dính nhiều mảnh bom lên xe cứu thương để ra sân bay Gia Lâm (tiếc thay về đến Paris, ngài đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng). Thủ tướng giọng đanh lại tại sao cơ quan đại diện của Pháp lại bị tấn công quân sự? Nước Pháp và Việt Nam phải đứng cùng nhau trên con đường tranh đấu...
Nhớ lần thăm Pháp chính thức cũng mùa thu cách nay bảy năm, cánh phóng viên tháp tùng thoáng thấy hàng chục tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp xin được tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mặc dù thời gian làm việc kín đặc nhưng Thủ tướng vẫn tranh thủ từng phút trao đổi với giới chủ Pháp, những ông chủ có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Lại nhớ thêm thời điểm Thủ tướng thẳng thắn bộc bạch với người đứng đầu Chính phủ Pháp khi đó là:
Pháp là một cường quốc kinh tế, Pháp từng có ảnh hưởng đến Việt Nam và Đông Dương, tại sao Pháp lại có thể đứng thứ 9, trong tổng số 77 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (bây giờ, với sự gắng gỏi của cả hai quốc gia, Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 2, đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam- XB).
Rồi tháng trước, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sau khi xuống hầm tránh bom ở khách sạn Metropol Hà Nội để tham quan (suốt 20 năm có một Ngoại trưởng Pháp thăm Việt Nam), trong tâm trạng vui vẻ, đã bật mí một tin với cánh báo chí đi theo. Rằng, chuyến thăm này của ông có một nhiệm vụ quan trọng. Đó là việc chuẩn bị cho chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Pháp sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và ngài ngoại trưởng nói luôn, chuyến thăm nhằm mục đích nâng mối quan hệ hai nước lên tầm cấp chiến lược!
Một ký giả phương Tây mau miệng hỏi đối tác chiến lược Việt - Pháp nghĩa là thế nào? Ngài ngoại trưởng dang luôn hai tay vẻ hào phóng (xin được dẫn nguyên văn).
Trong “quan hệ đối tác chiến lược”có hai từ “đối tác” và “chiến lược”. “Đối tác” có nghĩa là chúng tôi thực sự quyết định làm việc chặt chẽ với nhau, còn “chiến lược” có nghĩa là chúng tôi quyết định hợp tác lâu dài và trên các yếu tố thiết yếu. Nói một cách đơn giản, đó không phải là một tài liệu mà người ta ký rồi nhét vào ngăn kéo. Đó là việc cụ thể hóa một công việc chung, và phải được kèm theo những quyết định cụ thể .
Lại một câu hỏi khác rằng, sắp tới Tổng thống Pháp Francois Hollande có công du Việt Nam? Ông cũng trả lời luôn “Khả năng đó có thực. Ngày giờ chưa được quyết định dứt khoát, nhưng Tổng thống Francois Hollande chắc chắn sẽ đi thăm Việt Nam bởi vì chúng tôi rất gắn bó với khu vực đó của thế giới, và đặc biệt là với Việt Nam. Tổng thống Hollande rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ của Pháp với Việt Nam”.
Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị hợp tác. Là nhân tố cấu thành nên quan hệ đối tác chiến lược hôm nay. Quan hệ đó đã thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước- trước đông đảo các học giả Pháp, chất giọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng truyền cảm - đối tác chiến lược Việt - Pháp phải trở thành cầu nối đắc lực tin cậy cho sự phát triển hợp tác Á - Âu. Ở đầu cầu phía Đông là khu vực châu Á với cộng đồng ASEAN với trên 600 triệu dân, GDP trên 2 ngàn tỷ USD. Và đầu cầu phía Tây là Liên minh châu Âu một nền kinh tế hùng mạnh và nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
... Âm thanh của tràng pháo tay khiến tôi không đủ tĩnh tâm để làm cái việc máy móc thống kê lại cụm từ lòng tin cùng tần xuất hiện trong bài nói của Thủ tướng như ở Diễn đàn Shangri-La hồi tháng 5.
Paris đêm 24/9/2013
Do khuôn khổ của bài báo, phần hỏi đáp giữa Thủ tướng và các học giả, Tiền Phong xin trân trọng giới thiệu trong số báo tới.