Phản đối xây cầu mới cách cầu Long Biên cũ 30m

TP - PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. Ông Chính cho rằng phương án vị trí cầu mới cách cầu cũ 30m là không thể chấp nhận được.
Ông Trần Ngọc Chính

Thưa, ông đánh giá ra sao về mối quan hệ giữa cầu Long Biên và dự án tuyến đường sắt số 1?

Tuyến đường sắt đô thị số 1 là tuyến giao thông rất quan trọng giải quyết yêu cầu giao thông cho Thủ đô. Vấn đề đặt ra là cho đến bây giờ vẫn dùng dằng vị trí cầu đường sắt vượt qua sông Hồng. Việc này lẽ ra phải được quyết định sớm hơn bởi xác định tuyến là rất quan trọng cho toàn bộ dự án chứ không thể đang làm rồi lại phải ngừng lại để xác định là qua vị trí tim cầu hay là cách cầu 30m. Tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao một việc lớn như vậy mà bây giờ mới đưa ra?

Được biết, ông là ủy viên thường trực Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Thủ đô và đã từng góp ý cho phương án cầu đường sắt vượt sông Hồng?

Đúng vậy. Bản thân tôi là thành viên thường trực của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Thủ đô, đã được tham gia ý kiến 1 lần vào năm 2012 về tuyến đường sắt số 1 này nhưng không phải là phương án như Bộ GTVT đang đưa ra (30m - PV) mà tuyến đường đó đã được xác định và lãnh đạo Chính phủ phê duyệt. 

Bộ GTVT thống nhất phương án 30 m

“Tôi đã ký một văn bản gửi Chính phủ; Bộ trưởng Đinh La Thăng cách đây khoảng 6 tháng cũng ký một văn bản. Cả 2 văn bản đều thống nhất phương án xây cầu mới vượt sông Hồng cách cầu Long Biên hiện nay 30m”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

Trong đó đã nêu rõ tuyến đường sắt số 1 đi từ Yên Viên về Hoàn kiếm có cầu đường sắt vượt sông Hồng cách tim cầu Long Biên hiện nay 186m. Trên cơ sở đó, Hội đồng Quy hoạch kiến trúc Thủ đô trong đó có tôi đã ngồi góp ý về kiến trúc cây cầu này rồi mà tại sao Bộ GTVT lại đưa ra những 3 phương án khác. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên về việc này! Ngạc nhiên hơn khi thấy có phương án đưa 9 nhịp cầu Long Biên ra vị trí bên cạnh để bảo tồn, dỡ cầu Long Biên hiện nay ra để xây cầu mới trên vị trí tim cầu cũ! Tôi không thể hiểu được.

Phương án cầu mới trùng tim cầu cũ, cách cầu cũ 30m, ông đều phản đối. Ông có thể cho biết rõ hơn quan điểm của mình?

Chúng tôi phản đối phương án 30 m

“Hội đồng Kiến trúc quy hoạch khẳng định phương án cầu mới đi cách cầu Long Biên cũ 186m là hợp lý nhất và kiến trúc cầu phải hiện đại, không có giàn thép, và tránh việc “tranh chấp” với cầu Long Biên hiện nay, tôn được vẻ đẹp của cầu Long Biên. Về phương án cầu mới cách cầu cũ 30m được Bộ GTVT chính thức đề xuất, chúng tôi hoàn toàn phản đối phương án này!”

Ông Trần Ngọc Chính

Bộ GTVT đề xuất phương án làm cầu mới cách cầu cũ 30m là không chấp nhận được vì khoảng cách quá gần và đồng nghĩa với việc xóa bỏ không gian, tác động rất xấu tới hình ảnh cầu Long Biên. Điều này thách thức với lịch sử và văn hóa.

Nguyên nhân mà Bộ GTVT đề nghị phương án cách 30m, tôi nghĩ có thể để dễ đấu nối hai đầu cầu vào tuyến của cầu cũ và việc giải tỏa hai bên đầu cầu là ít nhất, thuận lợi về tiến độ và kinh phí. Tính toán kinh tế là quan trọng nhưng không thể mua được giá trị di tích. Kể cả có lãi ra được 3.000 tỷ đồng thì cũng không so với giá trị cây cầu này. Thực ra cầu mới cách cầu cũ 186m cũng vẫn ảnh hưởng đến cầu cũ nhưng ở mức độ nhẹ, chấp nhận được. Bảo tồn phải bao gồm cả không gian, chứ không phải chỉ là cái cầu.

Cảm ơn ông.