Phải giảm gánh nặng thuế, phí cho dân

TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nền kinh tế đang có nhiều khó khăn và các khoản thuế, phí hiện nay vẫn đang khiến người dân, DN chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Thống đốc ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm.

Vậy theo ông, những giải pháp cần thực hiện để cải thiện kinh tế trong thời gian tới là gì?

Phải tập trung cả vào hai mặt. Ngắn hạn, phải giải quyết những yếu tố tiêu cực của thị trường, không chủ quan để lạm phát quay trở lại. Nhưng một mặt, cần tích cực giải quyết được đầu ra cho DN, giải quyết nợ xấu ngân hàng.

Nếu không giải quyết được hai vấn đề quan trọng này, cả ngân hàng và DN đều khó khăn. Về điều hành, cần tháo gỡ những bức xúc kinh tế - xã hội hiện nay đó là an toàn thực phẩm, giá xăng dầu, viện phí…

Những biện pháp về quản lý giá cả, quản lý thị trường phải được đề cao, giám sát tốt hơn. Các loại thuế, phí thuế phải áp dụng linh hoạt, vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường vừa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Về dài hạn, dứt khoát phải làm thật quyết liệt, rõ ràng các giải pháp thúc đẩy tái cấu trúc các tập đoàn, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng yếu kém. Nếu năm nay chưa làm được thì sẽ khó hỗ trợ được cho ngắn hạn.

Những bức xúc của nền kinh tế - xã hội hiện nay đó là an toàn thực phẩm đáng lo ngại, giá xăng dầu, viện phí và các mặt hàng thiết yếu ở mức cao, cần giải quyết ra sao?

Hiện đời sống nhân dân và các DN đang quá khó khăn. Hàng ngàn DN đã và sẽ phải đóng cửa, ngừng sản xuất, không thể duy trì sản xuất. Bây giờ, nếu cứ dồn vào thuế, phí thì sức mua đã kém sẽ càng kém hơn nữa. Sản xuất và đời sống sẽ càng bức xúc hơn.

Vừa qua giá xăng, dầu tăng liên tục, làm lan tỏa sự ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống. Nhiều mặt hàng có thể sẽ tăng theo, hình thành mặt bằng giá mới.

Đây là những vấn đề cần chú ý trong điều hành. Phải điều hành chặt chẽ, không để phức tạp đời sống, ảnh hưởng thêm đối với các DN và nhất là những người có thu nhập thấp trong xã hội.

Trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay, nhà nước cần chia sẻ với người dân như thế nào, thưa ông?

Nhà nước phải chia sẻ với dân và DN nhiều hơn. Ví dụ, trong giá xăng thì 3 nơi phải chia sẻ, nhưng nhà nước phải chấp nhận giảm thu một chút. Nếu nhà nước sợ giảm nguồn thu, không giảm thuế, phí thì đương nhiên DN và người dân phải gánh.

Chính những đối tượng khó khăn hiện nay là các DN sản xuất kinh doanh và người dân lao động sẽ bị ảnh hưởng. Việc giữ các mức thuế và phí như hiện nay không hợp lý lắm. Cần có sự chia sẻ của nhà nước với dân, DN. Nhiều người cho rằng, lúc này là lúc cần khoan thư sức dân.

Cảm ơn ông.

Theo công thức Bộ Tài chính công bố, hiện giá dầu phải chịu hai loại thuế là nhập khẩu 12%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và phí (1.000 đồng/lít). Với xăng, ngoài các loại thuế, phí trên còn thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%.

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy