Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật đầu tư công, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường.
Mới đây, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và một số Ủy ban của Quốc hội và bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, đa số ý kiến nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và nhấn mạnh cần hết sức minh bạch trong đầu tư công..
Minh bạch khái niệm “đầu tư công”
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quá trình xây dựng dự thảo,một số ý kiến đề nghị xem xét khái niệm đầu tư công là đầu tư của nhà nước không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Ý kiến khác đề nghị sửa “đầu tư công là hoạt động sử dụng vốn của nhà nước…”.
Về nội dung này, Ủy ban Kinh tế khẳng định, phạm vi điều chỉnh theo quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật đã xác định tất cả các chương trình, dự án đầu tư công, không phân biệt vì mục tiêu lợi nhuận hay không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà có hoạt động đầu tư công đều chịu sự điều chỉnh của Luật này.
Quy định như vậy nhằm mục tiêu quản lý nguồn vốn đầu tư công một cách thống nhất. Ngoài ra, khái niệm ”vốn nhà nước” hiện nay được quy định trong một số Luật như Luật đấu thầu, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật đầu tư... và không có sự thống nhất giữa các khái niệm này do phạm vi điều chỉnh của các Luật là khác nhau.
Để tránh sự chồng chéo giữa các Luật, Ủy ban Kinh tế xin đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật. Theo đó, “đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Về khái niệm “Vốn đầu tư công”, có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cụ thể các khoản vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ nguồn thu như thu sổ xố kiến thiết, Tập đoàn dầu khí... để lại đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước sắp tới sẽ được quy định trong Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) trong dự thảo Luật.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định của Luật ngân sách hiện hành, các nguồn vốn nêu trên không thuộc cân đối ngân sách nhà nước, tuy nhiên giá trị của nguồn vốn này là khá lớn, tương đương tổng mức vốn đầu tư ngân sách trung ương hàng năm.
Nếu không quy định cụ thể các nguồn vốn đầu tư này trong dự thảo Luật sẽ tạo nên một khoảng trống pháp luật đối với nguồn vốn đầu tư này. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế xin đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về khái niệm “dự án đầu tư công”, có ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm về “dự án đầu tư công”, cần quy định cụ thể trong Luật tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C.
Ủy ban Kinh tế cho biết, Khái niệm dự án đầu tư công quy định trong dự thảo Luật đã xác định được bản chất của dự án đầu tư công, theo đó chỉ có các dự án đầu tư sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công mới được coi là dự án đầu tư công và được điều chỉnh ở Luật này.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự án Luật về phân loại dự án đầu tư công rõ hơn. Các dự án đầu tư công được phân loại gồm các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C theo một trong các tiêu chí cơ bản sau đây: a) theo mục tiêu; b) theo tầm quan trọng; c) theo ngành, lĩnh vực; d) theo quy mô dự án.
Quốc hội quy định cụ thể về dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ quy định cụ thể việc phân loại các dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.”
Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của Quốc hội đối với việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn trong từng giai đoạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia và nhóm A.
Ủy ban Kinh tế cho biết, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.
Dự án Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì hiện nay chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư loại dự án này là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng đảm bảo tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án Nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ của cả nước.
”Việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn bảo đảm cho hoạt động đầu tư công được khoa học và chặt chẽ hơn, các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước được ổn định, đồng thời tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để chủ động ra quyết định chủ trương đầu tư chính xác, hiệu quả hơn.
Đối với kế hoạch đầu tư dài hạn trên 10 năm việc dự báo khả năng cân đối vốn cũng như xác định danh mục dự án gặp nhiều khó khăn, do đó quy định kế hoạch đầu tư trung hạn cho giai đoạn 5 năm như dự án Luật quy định là phù hợp” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu rõ.
Phải có người chịu trách nhiệm
Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, các ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và nhấn mạnh cần hết sức minh bạch trong đầu tư công.
Theo một số ủy viên UBTVQH, đầu tư công là lĩnh vực hết sức quan trọng, do vậy luật cần quy định chặt chẽ, đảm bảo đầu tư công minh bạch, công khai.
”Dự thảo luật cần chỉ rõ về các nguồn đầu tư công là gì, cần rà lại các khái niệm về đầu tư công để quy định cụ thể hơn” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển kiến nghị.
Cũng theo Chủ nhiệm Hiển, chủ trương đầu tư, thẩm quyền đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng, Chính phủ nên quy định vào trong luật đặc biệt phải khẳng định chủ thể Chính phủ có vai trò ra sao, theo quy định của Hiến pháp sửa đổi.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, quá trình đầu tư phải được quy định rõ ràng, minh bạch để nhân dân có điều kiện giám sát, nhằm ngăn chặn những tiêu cực, thất thoát và đầu tư không hiệu quả.
”Sử dụng tiền của nhà nước trong đầu tư công chính là tiền đóng thuế của dân. Việc sử dụng nguồn tiền đó, đặc biệt là khi sử dụng vào mục đích quốc kế, dân sinh như thế nào, phải công khai, chỉ trừ những dữ án thuộc bí mật quốc gia. Vì vậy, phải công khai chủ trương, công khai lựa chọn dự án đầu tư, tiến độ thực hiện dự án và những vấn đề liên quan.
Chúng tôi đi giám sát ở vùng Tây Bắc, tây Nguyên đều thấy hình ảnh những công trình đang thi công phải bỏ dở. Tại sao đã chủ trương, có tiền đầu tư vào đó rồi mà dự án vẫn bế tắc, dang dở, cần có quy định chặt chẽ, để việc đầu tư hiệu quả hơn” – Ông Phước kiến nghị.
”Cần có một cơ chế đủ rõ ràng và hết sức minh bạch về đầu tư công từ tất cả các khâu từ lập, thẩm định phê duyệt cho đến triển khai dự án. Nhưng cùng với đó phải làm rõ cơ chế về trách nhiệm, ở đây là trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu đầu tư không hiệu quả, dàn trải, thất thoát và lãng phí thì chính người đứng đầu của các đơn vị đó phải chịu trách nhiệm” – ĐBQH Trần Hoàng Ngân thẳng thắn.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng làm rõ hơn các khái niệm về đầu tưn công; làm rõ thẩm quyền của các chủ thể liên quan đến lĩnh vực đầu tư công. Dự án Luật Đầu tư công sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.