Phá rừng nghiêm trọng ở Khánh Hòa: “Voi thành chuột nhắt”

TP - Một trong những vụ phá rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Khánh Hòa đang bị biến thành một vụ gây thiệt hại không đáng kể, chủ rừng không phải chịu trách nhiệm gì.
Rừng bị phá trắng, cây rừng bị chặt, đốt cháy đen. ảnh chụp ngày 18/7/2013

Hơn 25 ha rừng bị phá trắng, chỉ thiệt hại 80 triệu đồng!


Theo báo cáo ngày 28/5/2013 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, đã có 25,3 ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 105 (Khánh Bình, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) do Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (Cty LNTH) quản lý bị phá trắng. Diện tích rừng này gồm 19 ha rừng thuộc trạng thái IIIA3 (rừng giàu) và 6,3 ha rừng thuộc trạng thái IIB (rừng non tái sinh), tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại khoảng 6.300m3. 

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này. Ngày 5/7, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh khởi tố vụ án “hủy hoại rừng”, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Công an huyện Khánh Vĩnh. 

Đến nay, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Khánh Vĩnh đã ra quyết định khởi tố 9 bị can về tội hủy hoại rừng, gồm: Triệu Văn Linh (SN 1995), Triệu Văn Thái (SN 1975), Triệu Văn San (SN 1981), Triệu Tiến Chi (SN 1967), Dương Kim Minh (SN 1988), Đặng Thắng Lâm (SN 1986), Vi Văn Trời (SN 1976), Triệu Tiến Hình (SN 1976), cùng trú huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) và Triệu Văn Hải (SN 1982, trú huyện Đam Rông, Lâm Đồng). 

Theo Công an huyện Khánh Vĩnh, đầu năm 2009, Dương Kim Minh, Đặng Thắng Lâm và Triệu Tiến Chi đã phá 4 ha rừng thuộc tiểu khu 105 để trồng bắp. Họ còn có ý định phá 4,6 ha rừng nữa, nhưng thấy diện tích đã trồng bắp bị khỉ phá, họ bỏ hoang khu này. 

Ngày 3/3/2013, Triệu Tiến Hình mua lại 8,6 ha rừng trên với giá 20 triệu đồng. Sau đó, Hình thuê Triệu Văn Thái dọn sạch cỏ, cây rừng, với số tiền 40 triệu đồng. Thái rủ thêm Vi Văn Trời, Triệu Văn Hải, Triệu Văn Linh, Triệu Văn San cùng chặt phá rừng. Hơn 25,3 ha rừng đã bị phá trắng…   

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, một cơ sở để tính tiền bồi thường đối với người có hành vi phá rừng, gây thiệt hại cho Nhà nước là giá rừng do UBND cấp tỉnh quy định. 

Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa ban hành quy định về khung giá rừng. Tuy nhiên, tham chiếu quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành, rừng giàu phòng hộ thuộc huyện M’Đrắk, giáp huyện Khánh Vĩnh có giá từ 351 triệu đồng/ha đến 488 triệu đồng/ha. Với 25,3 ha rừng phòng hộ, phần lớn là rừng giàu bị phá trắng, giá trị tài sản thiệt hại phải là nhiều tỷ đồng. 

Lau sậy phủ đầy khu rừng bị phá trắng. ảnh chụp ngày 8/6/2014

Thế nhưng, theo Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do 25,3 ha rừng bị phá trắng chỉ là 80,6 triệu đồng. Khi nghe phóng viên nói tới con số này, ông Nguyễn Khương, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa nói, có sự nhầm lẫn nào chăng? Không có sự nhầm lẫn nào. Có chăng, với việc định giá tài sản thiệt hại quá thấp này, vụ phá 25,3 ha rừng đã không còn là nghiêm trọng.

Chủ rừng vô can

Ngay sau khi phát hiện vụ phá rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Cty LNTH có phương án thu hồi tang vật (gỗ), để tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, việc xử lý số gỗ đó phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. 

Một vị lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh dẫn ý kiến của Cty LNTH, cho rằng phải làm đường để đưa gỗ ra, có thể tốn nhiều tiền hơn tiền gỗ thu được. Trong khi đó, ngày 18/7/2013 và ngày 8/6/2014, phóng viên báo Tiền Phong đã chạy xe máy theo lối xe ô tô, vào tới khu vực rừng bị phá. Như vậy, đã có sẵn lối vào, đưa gỗ ra, nhưng gỗ cứ bị bỏ mặc ở hiện trường.   

Theo Cơ quan CSĐT, Công an huyện Khánh Vĩnh, những người tham gia phá rừng đều là đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do, chỉ biết phá rừng lấy đất canh tác, trong khi khu vực rừng bị họ phá nằm giáp ranh với rừng sản xuất của xã Cư San (M’Đrắk, Đắk Lắk). Tiểu khu 105 cách Cty LNTH hàng trăm km, đồi núi hiểm trở không có đường tuần tra kiểm soát, nên việc rừng bị xâm hại là không thể tránh khỏi. Cho rằng không đủ các yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước, Công an huyện Khánh Vĩnh không xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ rừng là Cty LNTH. 

Phải chăng con voi đã thành con chuột nhắt? 

Theo Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do 25,3 ha rừng bị phá trắng chỉ là 80,6 triệu đồng. Khi nghe phóng viên nói tới con số này, ông Nguyễn Khương, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa nói, có sự nhầm lẫn nào chăng? Không có sự nhầm lẫn nào. Có chăng, với việc định giá tài sản thiệt hại quá thấp này, vụ phá 25,3 ha rừng đã không còn là nghiêm trọng.