Các cử tri không ở trên Trái đất
Bốn phi hành gia NASA sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã yêu cầu bỏ phiếu vắng mặt trước ngày bầu cử.
Hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams đã ở trạm vũ trụ từ tháng 6. Họ bay lên với tư cách là phi công thử nghiệm trên tàu vũ trụ Starliner của Boeing.
Nhiệm vụ của họ kéo dài từ 8 ngày lên 8 tháng sau khi NASA quyết định đưa tàu vũ trụ gặp sự cố trở mà không đưa theo người nào, để chuyển các phi hành gia sang chuyến bay SpaceX vào năm sau.
Kết quả sơ bộ do AP tính toán cho thấy ông Trump đã giành chiến thắng tại Indiana, một bang thành trì của phe bảo thủ với người của đảng Cộng hoà đã nắm vị trí thống đốc trong 20 năm.
Indiana đã ủng hộ Trump trong ba cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông Trump thắng ở Kentucky, bà Harris giành được Vermont
Đó là kết quả dự kiến do CNN đưa ra.
Các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa ở nhiều bang, trong đó có bang chiến trường Georgia.
Thẩm phán bang Kentucky từ chối kiến nghị kéo dài thời gian bỏ phiếu ở quận Jefferson sau khi có báo cáo về việc trì hoãn.
Nhóm của Harris và các đồng minh quan ngại về những lời đe doạ đánh bom nhằm vào nhiều điểm bỏ phiếu ở Georgia.
Pennsylvania buộc tội một người đàn ông đăng lên mạng lời đe doạ ám sát Tổng thống Joe Biden và bà Hillary Clinton.
Cử tri Mỹ lo nền dân chủ bị đe doạ
73% số cử tri được hỏi hôm 5/11 cho biết nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa, theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri toàn quốc sơ bộ từ Edison Research.
Kết quả này cho thấy nỗi lo lắng mà người dân Mỹ đang phải đối mặt sau những động thái và phát ngôn gay gắt của hai ứng viên tổng thống.
Dân chủ và nền kinh tế được xếp hạng là những vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri, khi khoảng 30% số cử tri được hỏi bày tỏ sự quan tâm. Tiếp theo là vấn đề phá thai và nhập cư.
Bà Kamala Harris thăm trụ sở Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ
Phó Tổng thống Kamala Harris đã ghé thăm trụ sở Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ tại Washington vào thứ Ba để cảm ơn những người đã ủng hộ chiến dịch của bà.
Nữ ứng viên đảng Dân chủ trò chuyện với các cử tri qua điện thoại và khuyến khích họ đi bỏ phiếu.
"Tôi ổn”, bà Harris nói với một cử tri qua điện thoại. "Tôi chỉ muốn gọi điện để kiểm tra và đảm bảo rằng bạn biết nơi bạn có thể bỏ phiếu hôm nay nếu bạn chưa đi".
"Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã tích cực tham gia vào quá trình rất, rất quan trọng này. Chúng tôi không thể làm được nếu không có những người như các bạn", bà nói.
Ông Donald Trump nói sẽ thừa nhận kết quả nếu bầu cử công bằng
Phát biểu trước các phóng viên khi bỏ phiếu ở Palm Beach (bang Florida), ông Donald Trump cho biết: “Tôi đã có một chiến dịch tuyệt vời. Tôi nghĩ đó có lẽ là chiến dịch tốt nhất trong ba lần tranh cử. Chúng tôi đã làm rất tốt trong chiến dịch đầu tiên, chúng tôi đã làm tốt hơn nhiều trong chiến dịch thứ hai, nhưng có điều gì đó đã xảy ra. Đây là chiến dịch tốt nhất”.
Ứng viên đảng Cộng hoà khẳng định “sẽ không có bạo lực”. “Vì những người ủng hộ tôi không phải là những người bạo lực. Tôi không cần phải nói với họ điều đó. Và tôi chắc chắn không muốn bất kỳ hành vi bạo lực nào”.
Ông Trump bày tỏ hy vọng rằng “sẽ có một chiến thắng vang dội trong ngày hôm nay”.
“Nhưng nếu tôi thua, nếu đó là một cuộc bầu cử công bằng, thì tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận điều đó”, ông Trump nói.
Các tổng chưởng lý kêu gọi chuyển giao quyền lực hoà bình
Một liên minh lưỡng đảng gồm 51 tổng chưởng lý Mỹ đã đưa ra tuyên bố kêu gọi chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, bất kể kết quả bầu cử như thế nào.
“Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Mỹ hãy bỏ phiếu, và trên hết là tôn trọng tính toàn vẹn của tiến trình dân chủ. Chúng ta hãy ở bên nhau sau cuộc bầu cử này. Đừng bị chia rẽ vì kết quả, mà hãy đoàn kết vì cam kết chung của chúng ta đối với pháp quyền và sự an toàn của tất cả người dân Mỹ. Bạo lực không có chỗ trong tiến trình dân chủ”, tuyên bố viết.
Kết quả sơ bộ sẽ bắt đầu được công bố khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào khoảng 18h cùng ngày theo giờ miền Đông (6h ngày 6/11, giờ Việt Nam). Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump và bà Harris đang cạnh tranh sít sao, có thể mất nhiều ngày để tìm ra ai là người chiến thắng.
Ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hoà bỏ phiếu
Ứng viên phó tổng thống JD Vance đã bỏ phiếu tại quê nhà Cincinnati lúc 9h ngày 5/11 (giờ địa phương).
Trả lời các phóng viên, ông Vance cho biết: “Chúng tôi mong đợi sẽ giành chiến thắng. Nhưng rõ ràng là bất kể ai thắng, thì một nửa nước Mỹ sẽ phần nào cảm thấy buồn. Tôi nghĩ cách tốt nhất để hàn gắn rạn nứt là cố gắng điều hành đất nước tốt nhất có thể, tạo ra cuộc sống thịnh vượng nhất có thể cho người dân Mỹ, và nhắc nhở người Mỹ rằng về cơ bản, chúng ta cùng chung một đội, bất kể chúng ta đã bỏ phiếu cho ai”.
Vance cho biết ông sẽ khởi hành đến Palm Beach (bang Florida) để cùng ông Donald Trump theo dõi kết quả.
Tổng thống Joe Biden theo dõi cuộc bầu cử từ Nhà Trắng
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ theo dõi kết quả bầu cử từ Nhà Trắng cùng phu nhân Jill Biden, các trợ lý lâu năm và nhân viên cấp cao của Nhà Trắng.
Ông Biden không có bất kỳ sự kiện nào được lên lịch vào hôm nay, và dự kiến sẽ nhận được thông tin cập nhật thường xuyên về kết quả kiểm phiếu.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris có kế hoạch tham dự một bữa tiệc đêm bầu cử tại Đại học Howard ở Washington. Bà Harris đã tốt nghiệp trường đại học này với bằng kinh tế và khoa học chính trị vào năm 1986.
Ngoài bữa tiệc ở Howard, bà Harris không có hoạt động công khai nào khác trong ngày bầu cử. Phó Tổng thống cho biết hôm 3/11 rằng bà "đã bỏ phiếu qua thư và lá phiếu đang trên đường đến California".
Ứng viên Donald Trump đến Florida
Ông Trump đã đến West Palm Beach vào sáng sớm 5/11 (theo giờ Mỹ), sau khi cuộc vận động trong đêm muộn ở Grand Rapids (bang Michigan) kết thúc lúc 2h.
Cựu tổng thống Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu tại bang Florida.
Cộng đồng người Ấn Độ cầu nguyện cho bà Kamala Harris
Mọi con mắt đều đang đổ dồn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và cộng đồng những người theo đạo Hindu ở miền Nam Ấn Độ cũng không ngoại lệ khi họ tích cực cầu nguyện cho bà Kamala Harris - ứng viên gốc Nam Á của đảng Dân chủ.
Bà Harris có một phần dòng máu Ấn Độ. Mẹ của bà sinh ra ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ trước khi đến Mỹ du học. Bà Harris từng chia sẻ về những kỷ niệm thời thơ ấu, khi bà được đến thăm ông ngoại ở Chennai. Nữ ứng viên cũng từng nhiều lần nói về việc các di sản Ấn Độ ảnh hưởng đến cuộc sống và sự nghiệp của bà.
"Chắc chắn bà Kamala Harris sẽ đắc cử", Ballu - người sáng lập Tổ chức Anukragni của nhóm Anushanath, tại thành phố Madurai (bang Tamil Nadu) cho biết.
Chuyên gia dự đoán bà Kamala Harris giành chiến thắng
Chuyên gia Nate Silver đã công bố kết quả dự đoán cuối cùng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo phân tích của Silver, bà Kamala Harris sẽ giành chiến thắng với số phiếu bầu chiếm 50,015%.
Các cuộc thăm dò công bố ngày 4/11 cho thấy bà Harris đang dẫn trước với khoảng cách rất hẹp ở bang Michigan, nhưng ngang bằng với đối thủ Donald Trump ở bang Pennsylvania và các bang chiến trường khác.
Nate Silver đã trở nên nổi tiếng sau khi dự đoán đúng kết quả tại 49 trên tổng số 50 bang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Ông cũng dự đoán đúng kết quả cuộc bầu cử năm 2012 và 2020, nhưng dự đoán sai hồi năm 2016 khi cho rằng bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng trước đối thủ Donald Trump.
Cuộc bầu cử làm nên lịch sử
Bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11, nước Mỹ đều sẽ ghi nhận những điều đầu tiên trong lịch sử.
Bà Kamala Harris (60 tuổi), nếu đắc cử, sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên giành chức tổng thống.
Ông Donald Trump (78 tuổi), nếu đắc cử, sẽ trở thành tổng thống đầu tiên thắng cử hai nhiệm kỳ không liên tiếp trong hơn một thế kỷ qua.
Các điểm bỏ phiếu mở cửa
Một số địa điểm tại bang Vermont đã bắt đầu bỏ phiếu lúc 5h sáng 5/11 (giờ Mỹ, tức 17h cùng ngày, giờ Việt Nam).
40 triệu cử tri gen Z
Cả hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump đều nhắm đến các cử tri thuộc thế hệ Z (gen Z) trong quá trình vận động tranh cử. Nhiều người trong số đó sẽ bỏ phiếu lần đầu tiên vào hôm nay (5/11).
Thống kê của tạp chí Columbia (thuộc Đại học Columbia) cho thấy, năm nay có tới hơn 40 triệu cử tri gen Z, bao gồm tám triệu cử tri lần đầu tham gia bầu cử.
Theo Aidan Kohn-Murphy, người sáng lập nhóm vận động Gen-Z for Change, không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của mạng xã hội đối với những cử tri này.
Ông nói với CNN, rằng TikTok đã giúp nhiều người trẻ biết đến các ứng cử viên tổng thống và chiến dịch của họ.
Các vấn đề chính mà cử tri trẻ tuổi quan tâm là "khí hậu, sinh sản, bạo lực súng đạn và sự ủng hộ không được lòng dân của Tổng thống Joe Biden đối với Chính phủ Israel", Kohn-Murphy cho biết.
Ông Trump và bà Harris kết thúc chiến dịch vận động tranh cử
Hai ứng cử viên tổng thống kết thúc ngày vận động tranh cử với tâm trạng hoàn toàn khác biệt: Ông Trump xuất hiện trong tình trạng dường như kiệt sức, cảnh báo rằng đất nước “đang bên bờ vực sụp đổ” và kêu gọi "chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thành sứ mệnh phi thường đó".
Trong khi đó, bà Harris hứa hẹn một tương lai đoàn kết hơn với nước Mỹ khi những người ủng hộ tràn đầy năng lượng hô vang cùng bà: "Chúng ta sẽ không quay lại".
Ông Trump và bà Harris ở đâu trong ngày bầu cử?
Nhóm hỗ trợ tranh cử tổng thống của bà Kamala Harris cho biết phó tổng thống Mỹ sẽ ở thủ đô Washington D.C xuyên suốt ngày bầu cử để tham gia các chương trình phỏng vấn trên sóng radio.
Trong khi đó, ông Trump có mặt tại buổi vận động tranh cử cuối cùng ở Grand Rapids, bang Michigan.
Ông Trump và bà Harris hoà nhau tại thị trấn Dixville Notch
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã hòa nhau với ba phiếu bầu tại thị trấn nhỏ Dixville Notch của bang New Hampshire.
Theo liệu khảo sát, thị trấn này có dân số 13 người. Vào lúc 0h ngày 5/11, sáu cử tri ở Dixville Notch đã bỏ phiếu trực tiếp. Các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa sau đó vài phút. Và kết quả kiểm phiếu nhanh chóng được công bố.
Trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, phải mất tới bốn ngày sau khi kết thúc bỏ phiếu, ông Joe Biden mới được tuyên bố là người chiến thắng. Nguyên nhân là do biên độ sít sao ở các bang chiến trường quan trọng, dẫn đến một số cuộc kiểm phiếu lại, cũng như số lượng lớn các lá phiếu qua thư được kiểm sau ngày bầu cử.
Kể từ đó, một số bang đã thay đổi luật bầu cử để đẩy nhanh quá trình kiểm phiếu. Mặc dù cuộc bỏ phiếu lần này có thể không mất nhiều thời gian như vậy, nhưng khả năng cao kết quả sẽ chưa thể được công bố trong đêm bầu cử.
Cử tri Mỹ quan tâm đến những vấn đề gì?
Các vấn đề cử tri Mỹ quan tâm nhất trong mùa bầu cử năm nay bao gồm những vấn đề liên quan đến kinh tế như việc làm, lạm phát, cải cách thuế, chi tiêu của chính phủ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cùng những vấn đề xã hội như nạo phá thai, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quyền của người LGBTQ, nhập cư, sở hữu súng đạn, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu…
Tiến trình bầu chọn tổng thống Mỹ nhìn chung diễn ra tương đối phức tạp và tốn kém, dễ gây tranh cãi và kéo dài xấp xỉ 2 năm kể từ khi ứng cử viên đầu tiên đăng ký ra tranh cử.
Khi nào các điểm bỏ phiếu mở và đóng cửa?
Hầu hết các bang sẽ bắt đầu bỏ phiếu lúc 7h ngày 5/11 (giờ Mỹ, tức 19h cùng ngày, giờ Việt Nam). Một số bang bỏ phiếu sớm hơn, từ 5h sáng, hoặc muộn hơn vào lúc 10h.
Các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào nhiều thời điểm khác nhau trên khắp nước Mỹ. Tại Indiana và Kentucky, quá trình bỏ phiếu sẽ kết thúc lúc 18h ngày 5/11 (giờ Mỹ, tức 6h ngày 6/11, giờ Việt Nam). Trong khi đó, các điểm bỏ phiếu ở Hawaii và Alaska (bờ tây), sẽ đóng cửa lúc nửa đêm (tức 12h ngày 6/11, giờ Việt Nam). Địa điểm kết thúc bỏ phiếu muộn nhất là đảo Aleutian (thuộc Alaska), khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 1h ngày 6/11 (giờ Mỹ, tức 13h cùng ngày, giờ Việt Nam).
Thông tin sơ bộ về việc ứng viên nào đang có kết quả khả quan hơn sẽ được công bố vào khoảng từ 19h đến 20h ngày 5/11 (giờ Mỹ, tức 7 - 8h ngày 6/11, giờ Việt Nam), khi cuộc bỏ phiếu kết thúc tại các bang chiến trường quan trọng là Georgia và Bắc Carolina. Cả hai bang này đều đang ghi nhận sự bám đuổi sít sao của bà Kamala Harris và ông Donald Trump.
Thời điểm quan trọng tiếp theo là khi việc bỏ phiếu kết thúc tại các bang được gọi là "bức tường xanh" như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Tuy nhiên, người chiến thắng sẽ chưa thể được công bố ngay lập tức tại những bang này. Đến 22h ngày 5/11 (giờ Mỹ, tức 10h ngày 6/11, giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa tại hai bang quan trọng khác là Arizona và Nevada.
Số cử tri Mỹ đi bỏ phiếu
Có 230 triệu cử tri Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu, nhưng chỉ có khoảng 160 triệu người trong số đó đã đăng ký trước ngày bầu cử.
Gần một nửa trong số 50 bang tại Mỹ cho phép đăng ký tư cách cử tri trong ngày bầu cử. Thậm chí, công dân Mỹ có thể bỏ phiếu mà không cần đăng ký tại bang Bắc Dakota.
Hơn 70 triệu người đã bỏ phiếu qua thư hoặc bỏ phiếu trực tiếp sớm.
Ngoài việc bầu ứng viên tổng thống, các cử tri Mỹ cũng sẽ bầu 34 thượng nghị sĩ (trong số 100 ghế thượng viện) và tất cả 435 thành viên hạ viện. Ngoài ra, các cuộc đua giành vị trí thống đốc sẽ diễn ra tại 11 bang và hai vùng lãnh thổ (Puerto Rico và Samoa thuộc Mỹ).
Các bang chiến trường
Georgia là một bang chiến trường quan trọng. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng trước ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump ở bang Georgia với chỉ 0,2 điểm phần trăm. Kết quả này đưa Georgia trở thành bang có biên độ chênh lệch số phiếu hẹp nhất trong năm 2020.
Từ năm 1972 đến năm 2016, các ứng cử viên đảng Cộng hòa thường sẽ giành chiến thắng áp đảo tại Georgia. Tuy nhiên, các cuộc đua đã trở nên sít sao hơn tại bang này gần đây, do những thay đổi về nhân khẩu học.
Tương tự, bang Arizona cũng có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa trước khi trở thành bang chiến trường.
Từ năm 1952 đến năm 2016, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa luôn giành chiến thắng ở Arizona. Chỉ có một ngoại lệ vào năm 1996, khi ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton giành chiến thắng trước ứng viên đảng Cộng hòa Robert Dole ở Arizona.
Năm 2020, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại đối thủ Donald Trump ở bang Arizona với 0,3 điểm phần trăm.
Tại bang chiến trường Bắc Carolina, ông Trump đã giành chiến thắng trước ông Biden hồi năm 2020 với 1,3 điểm phần trăm. Năm 2016, ông Trump cũng đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton tại bang này, với chênh lệch 3,6 điểm phần trăm.
Trước đó, từ năm 1980 đến năm 2020, đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng tại Bắc Carolina trong mọi cuộc bầu cử, ngoại trừ năm 2008 khi ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama giành chiến thắng trước ông John McCain với 0,3 điểm phần trăm.
Tại bang Pennsylvania, ông Biden đã giành chiến thắng với 1,2 điểm phần trăm vào năm 2020. Năm 2016, ông Trump giành chiến thắng trước bà Clinton ở bang này, với 0,7 điểm phần trăm.
Sau chiến thắng của đảng Dân chủ vào năm 1976, đảng Cộng hòa đã càn quét Pennsylvania từ năm 1980 đến năm 1988. Từ năm 1992 đến năm 2012, đảng Dân chủ đã giành chiến thắng tại Pennsylvania.
Từ năm 1992 đến năm 2020, bang Michigan đã ủng hộ đảng Dân chủ trong mọi cuộc bầu cử, ngoại trừ năm 2016 khi ông Trump đánh bại bà Clinton với 0,2 điểm phần trăm. Năm 2020, ông Biden đã đánh bại ông Trump tại bang này với 2,8 điểm phần trăm. Nhưng sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh của Israel ở Dải Gaza có thể khiến một số lượng lớn cử tri người Mỹ gốc Ả-rập tại bang này chuyển sang ủng hộ ông Trump.
Wisconsin cũng đã ủng hộ đảng Dân chủ trong mọi cuộc bầu cử từ năm 1988 đến năm 2020, ngoại trừ năm 2016 khi ông Trump đánh bại bà Clinton với 0,7 điểm phần trăm. Năm 2020, ông Biden đã giành chiến thắng tại bang này với 0,7 điểm phần trăm.
Tại bang Nevada, đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 1976 đến 1988. Năm 2016, bà Clinton đánh bại ông Trump ở bang này với 2,4 điểm phần trăm. Năm 2020, ông Biden giành chiến thắng với 2,4 điểm phần trăm.
California là tiểu bang đông dân nhất của Mỹ và dự kiến sẽ thuộc về bà Harris, người đến từ California và đã đại diện cho bang này tại Thượng viện Mỹ, đồng thời từng là tổng chưởng lý của bang. Từ năm 1992 đến năm 2020, đảng Dân chủ đã giành chiến thắng dễ dàng tại California.
Oregon và Washington cũng có khả năng chứng kiến chiến thắng của bà Harris, trong khi Idaho dự kiến sẽ ủng hộ ông Trump.
Các bang Indiana, Kentucky và Nam Carolina đang nghiêng về phía ông Trump, trong khi bang Virginia và Vermont dự kiến sẽ nghiêng về bà Harris.
Ohio và Tây Virginia có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, và ông Trump dự kiến sẽ giành chiến thắng tại hai bang này.
Bang Arkansas cũng dự kiến sẽ "thuộc về" ông Trump, vì đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng dễ dàng tại bang này từ năm 2000 đến năm 2020.
(Tiếp tục cập nhật)