Ông Đinh La Thăng: Không nên cào bằng, bao cấp tràn lan

TPO - “Nếu các trường đào tạo được trình độ giáo dục như Singapore, sinh viên ra trường đều ra nước ngoài làm việc thì học phí bao nhiêu cũng có người học. Chúng ta không thể bao cấp tràn lan được, phải lấy học phí người giàu bù đắp cho người nghèo”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao Đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp.

Sáng 21.2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng làm việc với Đảng ủy khối các trường đại học (ĐH), cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở TP.HCM.

GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất TP và Bộ GD-ĐT nghiên cứu chọn một vài trường ĐH có chất lượng tốt, có uy tín trong nước và quốc tế để đầu tư trọng điểm, tạo điều kiện phát triển đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong thời gian nhất định (5 - 10 năm); đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng có uy tín thế giới.

Lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng chia sẻ những khó khăn khi tiến tới tự chủ. Đơn cử GS.TS Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM) cho biết, nếu thu học phí theo quốc tế sẽ lên tới vài chục triệu mỗi năm. Trong khi đó, 80% sinh viên của trường đến từ các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên học phí tăng, họ bị ảnh hưởng lớn.

Với các trường thuộc khối sư phạm, việc tự chủ càng khó khăn hơn và họ hầu như không dám "buông bầu sữa mẹ". Bởi khi tự chủ, các trường này phải thu học phí cao, trong khi giáo viên mới ra trường lương rất thấp thì không ai dám vào sư phạm.

Trước những ý kiến trên, Bí thư Thăng nhận định: “Quan điểm của tôi sản phẩm là số một thị trường là phải khẳng định về chất lượng, còn trọng điểm hay không không quan trọng”.

Thực tế chứng minh tự chủ sẽ tốt hơn, các đối tượng chính sách, nhà nghèo sẽ có hỗ trợ, các đối tượng còn lại thì thu theo cơ chế thị trường. Mức độ tự chủ của các trường khác nhau, theo đặc thù trường nhà nước sẽ có mức hỗ trợ khác nhau, chứ không cào bằng, bao cấp tràn lan…

Ngoài ra, ông Thăng cũng yêu cầu các trường quan tâm chủ động đón nhận làn sóng cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tăng cường quảng bá cho sinh viên về vấn đề này. Hướng sinh viên theo học các ngành công nghiệp. Phải có định hướng, nhận thức về sự thay đổi, phát triển hiện nay.