Rác độc hại thải xuống sông
Dọc hai bên bờ sông Chà Và qua xã Long Sơn ken kín các lồng bè nuôi cá và giàn nuôi hàu. Nguồn nước ở đây thuận lợi cho hàu phát triển, nên từ nhiều năm qua người dân địa phương đã “xí phần” mặt nước nuôi hàu. Chiếm hữu một đoạn bờ sông dài hàng chục mét, anh Nguyễn Văn Lịch dùng các can nhựa làm phao nổi để giăng dây treo giá thể là các tấm lợp fibro xi măng (được cắt nhỏ khoảng 40cm2) làm nơi cho hàu bám vào sinh sống. Anh Lịch kể về quy trình nuôi hàu bằng kinh nghiệm của người nuôi hàu đóng cọc gỗ ở những khu vực nước có hàu để lấy hàu giống chục năm nay. “Hàu con xuất hiện bám vào cọc, độ khoảng 10 ngày tuổi, bé li ti như hạt mè, chỉ có dân trong nghề mới phân biệt được. Khoảng 3 tháng tuổi, khi hàu đã phát triển bằng nửa đầu ngón tay và có vỏ tương đối cứng, lúc này người nuôi tách hàu cấy sang giá thể là các tấm fibro ximăng đảm bảo mật độ cho hàu phát triển. Đến 7-8 tháng là có thể thu hoạch hàu” - anh Lịch cho biết.
Bơi thuyền dọc hàng dây giăng trên mặt nước treo các giá thể nuôi hàu, anh Linh kéo lên 1 giá thể, 2 mặt tấm fibro ximăng có hơn chục con hàu đang phát triển. Theo anh Linh, trước đây nuôi hàu bằng cách cho hàu bám vào cọc gỗ, nhưng vật liệu này ngày càng đắt lại không hiệu quả, dễ gãy đổ nên từ chục năm nay người dân dùng tấm fibro ximăng làm giá thể cho hàu sinh sống. “Khi thu hoạch hàu thì các tấm giá thể cũng phải bỏ vì lúc tách hàu ra nó đã vỡ nát” - anh Linh cho biết. Cũng như những người nuôi hàu khác trong vùng, hàng ngàn tấm fibro ximăng thải ra sau mỗi vụ thu hoạch hàu xong đều được anh Linh mang ra lòng sông đổ bỏ.
Ông Trần Văn Ninh nhà ở xã Phước Hòa (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) có giàn nuôi hàu khá lớn ở sông Chà Và. Mỗi vụ thu hoạch hàu ông Ninh thải ra khoảng 6 nghìn tấm fibro xi măng. Ông Ninh khẳng định ở vùng sông nước này không có ai lại vận chuyển ngược thứ rác thải này vào bờ. Để xử lý những tấm fibro xi măng thải ra, ông Ninh dùng ghe chở ra đổ ở khu vực nước sâu. “Cũng nghe cơ quan chức năng khuyến cáo về tính độc hại của fibro xi măng như gây ô nhiễm nguồn nước. Nhưng hiện nay chưa có vật liệu nào hiệu quả hơn nên chúng tôi vẫn dùng tấm lợp fibro xi măng làm giá thể nuôi hàu”, ông Ninh cho hay.
Lúng túng trong quản lý
Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, hiện trên toàn xã có gần 600 hộ nuôi hàu, với diện tích khoảng 90ha; trong đó có trên 80% người dân sử dụng tấm lợp fibro xi măng để làm giá thể, với khoảng 300.000/mảnh tấm lợp này được dùng cho mỗi vụ. Sau khi thu hoạch, phần lớn những giá thể là các tấm lợp fibro xi măng được người dân đổ bỏ xuống sông.
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Từ khoảng năm 2008, khi phát hiện con hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng và tấm lợp này lại có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt nên bà con mua tấm lợp về làm giá thể nuôi hàu mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Theo đánh giá của Chi cục thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, việc đổ bỏ những tấm fibro xi măng bừa bãi chính là nguyên nhân dẫn đến việc bồi lắng đáy sông, làm thay đổi dòng chảy, đồng thời, tích tụ cặn bã gây ô nhiễm môi trường và tác động trực tiếp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến sản lượng nuôi trồng thủy sản ở khu vực xã Long Sơn trong những năm qua.
Về tính độc hại của fibro xi măng, Trung tâm Công nghệ môi trường (Viện Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã có kết quả nghiên cứu đánh giá, cảnh báo người dân. Đó là, việc ngâm tấm lợp fibro xi măng trong nước sẽ tạo ra chất lưu huỳnh và một số hóa chất độc hại khác, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường sinh thái của các loài thủy, hải sản. Qua đó, cơ quan chức năng tỉnh này khuyến khích người dân dùng những vật liệu khác như cây gỗ, vỏ hàu… để làm giá thể thay thế fibro xi măng. Sở Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã gửi văn bản xin ý kiến và đề nghị Tổng cục Thủy sản có đánh giá, nghiên cứu việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng nuôi hàu, có định hướng cụ thể, không để ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
“Tấm lợp fibro được làm bằng xi măng, sợi khoáng silicat và bột amiăng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng như tác hại cho sức khỏe của con người” - theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh cho người khi tiếp xúc với các chất độc hại này qua đường hô hấp và đường tiêu hóa từ nguồn nước nhiễm amiăng.
Kiểm nghiệm các mẫu hàu vẫn an toàn
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Tấm lợp fibro ximăng là vật liệu được sản xuất dùng thay thế cho các loại tôn, ngói thường được dùng lợp mái nhà trong vùng ven biển để tránh ăn mòn… Tuy nhiên, vấn đề dùng tấm lợp fibro ximăng làm giá thể nuôi hàu đã được chúng tôi đánh giá về tính chất nguy hại từ 2 năm trước và đã có báo cáo Tổng cục Thủy sản, nhưng cơ quan này chưa có văn bản trả lời chính thức. Thực tế, chúng tôi đã kiểm nghiệm các mẫu hàu không thấy biểu hiện nguy hại nào. Tuy nhiên, về mặt khoa học đã có những kết luận khoa học về nguy hại từ tấm lợp fibro ximăng và cả lốp xe, nên chúng tôi đã có khuyến cáo bà con không sử dụng các vật liệu này làm giá thể nuôi hàu. Để thay thế chúng tôi đang thử nghiệm và khuyến khích bà con dùng vỏ hàu xâu dây làm giá thể cho hàu sinh sống”.
Mạnh Thắng
Nhiều chất trong tấm lợp xi măng có thể gây ung thư
BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, nuôi hàu bằng tấm lợp có amiăng đã là nuôi không tự nhiên, bởi đây là 1 sản phẩm công nghiệp nên chắc chắn sẽ có những chất không an toàn trong môi trường nuôi hàu.
Tuy nhiên, việc hàu nhiễm các chất này nhiều hay ít còn phụ thuộc vào các nghiên cứu khoa học. Theo BS Ký, trong tấm lợp fibro ximăng có thành phần asbestos (còn gọi là amiăng, thạch miên), là 1 chất được Viện nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cảnh báo có thể gây ung thư. Chúng có thể xâm nhập thông qua đường hô hấp, đường tiêu hoá do nguồn nước bị ô nhiễm và gây nên một số bệnh ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, vôi hoá bàn phổi... Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với chất asbestos này thường kéo dài (20-30 năm), nên giai đoạn đầu rất khó nhận biết.
Uyên Phương